Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tác động tích cực nhất lên thị trường chung
Sáng nay, nhiều cổ phiếu trụ tại các nhóm như ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu đều tăng điểm, góp phần nâng đỡ chỉ số chính. Dẫn đầu đà tăng là nhóm tổ chức tín dụng với mức tăng 1,16 %, nhóm bất động sản tăng 0,31%. Sắc đỏ tập trung nhiều ở nhóm viễn thông, năng lượng, tiêu dùng (cả thiết yếu và không thiết yếu).
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 141.000 tài khoản trong tháng 12/2024. Luỹ kế cả năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng 2 triệu tài khoản lên tổng cộng hơn 9,2 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán trước thời hạn 2025 và đang định hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Số lượng nhà đầu tư gia tăng, nhu cầu sử dụng vay ký quỹ (margin) cũng tăng thêm. Theo thống kê tại Công ty chứng khoán VPBank tính đến cuối quý III/2024, dư nợ margin đạt 7.596 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty cho biết, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức, mức lãi suất cũng được đặt ra ở mức ưu đãi để hỗ trợ nhà đầu tư, khoảng 8,6% năm cho các khách hàng mở mới tài khoản - tương ứng thấp hơn 40-60% so với mức lãi suất margin phổ biến (11,5-14,5%/năm). Cuộc đua margin ở các công ty chứng khoán còn hấp dẫn ở khía cạnh các gói sản phẩm được tung ra thị trường. Nếu như trước đây, các công ty chứng khoán chỉ cần cung cấp margin cho các mã cổ phiếu có thanh khoản cao cũng đã chạm trần cho vay margin thì hiện tại như VPBankS đang tung ra nhiều gói sản phẩm để hỗ trợ nhà đầu tư, kể cả như miễn phí margin cho một số giao dịch T+.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng "giúp" VN-Index bảo toàn sắc xanh
Chốt phiên giao dịch ngày 7/1, VN-Index tăng 0,6 điểm lên 1.246,95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 560 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 13.189 tỷ đồng. Toàn sàn có 156 mã tăng giá, 252 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,97 điểm xuống 220,98 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 48,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 839,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 56 mã tăng giá, 84 mã giảm giá và 64 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,62 điểm xuống 93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 30,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 365 tỷ đồng. Toàn sàn có 97 mã tăng giá, 146 mã giảm giá và 82 mã đứng giá.
Rổ cổ phiếu VN30 có 14 mã tăng giá, 13 mã giảm giá và 3 mã đứng giá. Theo đó, BID tăng mạnh nhất rổ VN30 với 4,12%, tiếp đến BCM tăng 3,27%, MBB tăng 2,12%, STB tăng 1,79%, VIB tăng 1,04%. Như vậy, có thể thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tác động tích cực nhất lên thị trường chung, giúp VN-Index giữ được sắc xanh khi chốt phiên giao dịch.
Các cổ phiếu trong rổ VN30 ở chiều giảm giá có GVR giảm 3,74%, SSI giảm 1,41%, VNM giảm 1,28%, PLX và VRE giảm 1,17%, HDB giảm 1,02%.
Hôm nay, ngoài nhóm ngân hàng, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng diễn biến tích cực, với KBC, BCM, SIP, SZC… đều ở chiều tăng giá.
Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí không còn mã nào giữ được sắc xanh. Các mã OIL, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS, TOS đều ở chiều giảm giá. Cùng đó, nhóm cổ phiếu hóa chất cũng đua nhau giảm giá.
Cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất phần cứng, năng lượng, dược phẩm, viễn thông đua nhau giảm giá; trong đó, nhóm cổ phiếu phần cứng giảm mạnh do POT giảm tới hơn 6%.
Nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng trong phiên giao dịch hôm nay, với giá trị gần 83 tỷ đồng. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 91 tỷ đồng. VNM bị bán ròng mạnh nhất, với 63 tỷ đồng. Tiếp đến, NLG bị bán ròng 60 tỷ đồng; SSI bị bán ròng 59 tỷ đồng, HPG (42 tỷ đồng), VRE (39 tỷ đồng). Trong khi đó, khối ngoại chỉ mua ròng 2 tỷ đồng trên HNX và 5 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!