Vốn cho chuyển đổi năng lượng xanh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/08/2024 21:43 GMT+7

VTV.vn - Đến năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 2/3 tổng công suất. Để đạt được mục tiêu này, sẽ phải có cơ chế, giải pháp cụ thể để huy động được số vốn đầu tư rất lớn.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gọi tắt là Quy hoạch điện VIII, thì đến năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 2/3 tổng công suất. Để đạt được mục tiêu này, sẽ phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, khả thi để huy động được số vốn đầu tư rất lớn.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là 2 trong số 13 dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên tại Việt Nam đang được xây dựng. Theo cơ cấu cấu nguồn, điện khí, bao gồm khí tự nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng, đến năm 2030 dự kiến đạt trên 30.000MW, chiếm khoảng 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện. Điện khí được đánh giá sẽ đóng vai trò là nguồn điện nền, giữ ổn định cho hệ thống điện trong tương lai. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện khí đến nay còn nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho hay: "Đến thời điểm cuối năm 2024 này chúng ta thấy mới chỉ có 2 dự án nhưng mà đang gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải nói đó là khung pháp lý, hành lang pháp lý cho mọi hoạt động từ chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư cho đến đàm phán các hợp đồng. Việc tháo gỡ, việc mà hiệu chỉnh để làm thế nào đạt được tiến độ thì đang gặp rất nhiều vướng mắc".

Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 35% vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu đạt 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết: "Thực hiện sơ đồ điện 8 là một trong những khâu quyết định cho chuyển đổi xanh và hiện thực hóa mục tiêu Net zezo của Việt Nam vào năm 2050. Nhưng mà làm thế nào để thực hiện được và hiện thực hóa 1 cách có hiệu quả thì nó là câu chuyện liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác và đặc biệt nữa đó là vấn đề thực thi, cơ chế, tốc độ thực thi để đảm bảo mục tiêu chuyển đổi xanh đối với ngành năng lượng và cả nền kinh tế Việt Nam".

"Trong quy hoạch điện 8 cũng đề ra 1 số giải pháp, cùng với sự tập trung đầu tư của nhà nước thì vấn đề xã hội hoá, vấn đề huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp quốc tế, từ các tổ chức đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng", TS. Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng chia sẻ.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2045, tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 2/3 tổng công suất toàn hệ thống. Để đạt mục tiêu này, ước tính Việt Nam sẽ cần trên 500 tỷ USD để đầu tư phát triển mới cho cả nguồn và lưới điện, qua đó sẽ đảm bảo thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước