Vốn đầu tư FDI tăng mạnh trở lại

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/04/2023 06:05 GMT+7

VTV.vn - Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những tín hiệu khả quan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến 20/4, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD.

Nhiều tổ chức quốc tế, hiệp hội nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Đáng chú ý, sau quý I giảm nhẹ, dòng vốn đầu tư mới đã tăng mạnh trở lại cả số lượng dự án và số vốn, lần lượt tăng trên 65% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trước sự cam kết và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có những cam kết xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Tính đến ngày 20/4, tổng vốn FDI đăng ký của các dự án mới đạt hơn 4,1 tỷ USD. Tổng số vốn của các dự án đăng ký điều chỉnh vốn tăng 19,5%, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

"Chúng tôi đang gấp rút xây dựng nhà xưởng sản xuất chip và chất bán dẫn, dự kiến sẽ hoàn công sớm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thị trường phía Bắc, các đối tác Việt Nam để đánh giá mức độ và khả năng cung ứng cũng như các hạng mục trong sản xuất bắt nhịp với nhu cầu thời gian tới", ông Kim Sung Hun, Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology, cho biết.

Vốn đầu tư FDI tăng mạnh trở lại - Ảnh 1.

Sau quý I giảm nhẹ, dòng vốn đầu tư mới đã tăng mạnh trở lại cả số lượng dự án và số vốn, lần lượt tăng trên 65% và 11% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)

"Trên 60% diện tích đã được đăng ký và chuẩn bị xây dựng. Chúng tôi đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư thứ cấp là các đơn vị điện tử, công nghiệp sạch", ông Hà Ngọc Hoa, Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Việt - Nhật, Hiệp Hòa, Bắc Giang, cho hay.

Tính riêng trong tháng 4, các dự án dưới 1 triệu USD chiếm gần 70% số dự án mới. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm nay tập trung nhiều vào dự án quy mô vừa và nhỏ. Còn các tập đoàn lớn đang thận trọng hơn.

"Các nhà đầu tư nước ngoài đang ưu tiên các địa điểm đầu tư như Việt Nam, đảm bảo các tiêu chí khả năng phục hồi kinh tế nhanh, chuỗi sản xuất liên vùng và đa dạng hóa nhà cung cấp. Họ đang chuyển từ mô hình quy mô lớn sang mô hình nhỏ hơn, có nhiều phương án dự phòng trong mạng lưới cung ứng", ông Hans Kerstens, Giám đốc quản lý Khu công nghiệp DEEP C, nhận định.

"Chúng tôi đang xây dựng nhà máy xanh được thiết kế thành cơ sở trung hòa carbon, sử dụng pin năng lượng mặt trời. Nhiều nhà đầu tư lớn từ châu Âu đang xây dựng nhà máy sản xuất bền vững. Chúng tôi đang trông chờ vào cơ sở hạ tầng, cũng như cơ chế mới về sử dụng năng lượng sạch", ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam, thông tin.

Tăng tính liên kết đầu tư theo vùng

Trong bối cảnh dòng đầu tư đang chịu tác động lớn của biến động kinh tế toàn cầu, việc tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, hạ tầng sản xuất kinh doanh sẽ là yếu tố quan trọng. Hiện nhiều địa phương đang đẩy mạnh mô hình thu hút FDI mới theo chuỗi cung ứng vùng.

Hàn Quốc - quốc gia đứng đầu về số dự án đầu tư vào TP Hồ Chí Minh còn hiệu lực. Hiện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm kiếm đầu tư tại các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, vì chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư giữa các địa phương không giống nhau nên doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

"Có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương. TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc hợp tác tốt hơn với các thành phố vệ tinh. Đây là tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư", ông Choi Kyu Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá.

"TP Hồ Chí Minh luôn luôn có sức hút về thị trường, không chỉ là thị trường phân phối cho 13 triệu dân, mà còn cả khu vực và cả chuỗi cung ứng cho các thị trường khác. Các doanh nghiệp FDI đặt ra tính nhất quán về chính sách", ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Quỹ đất hạn chế, chi phí đầu vào cao, lao động khó khăn, việc thu hút các dự án có quy mô sản xuất lớn sẽ bị hạn chế, đòi hỏi sự đồng bộ trong chính sách và hạ tầng theo vùng. Đây cũng là lý do tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cho đầu tư hơn 160 ha với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1.600 tỷ đồng vào khu công nghiệp xanh cùng các giải pháp hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông.

"Các nhà đầu tư châu Âu đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và chú trọng vào các địa điểm đầu tư có cơ sở hạ tầng, logistics thuận lợi, giảm thiểu các chi phí trong quá trình sản xuất. Chính quyền địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng", ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), cho hay.

Chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sẽ sớm có những giải pháp mới mang tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên tinh thần hai bên cùng thắng và cùng Việt Nam phát triển.

Theo kết quả Khảo sát do Tổ chức xúc tiến mậu dịch JETRO, 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cao nhất trong khối ASEAN; hay theo báo cáo môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu.

Gần 8,9 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm Gần 8,9 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm

VTV.vn - Có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước