Việt Nam - “thỏi nam châm” hút FDI

Anh Quân-Chủ nhật, ngày 23/04/2023 10:08 GMT+7

VTV.vn - Theo báo chí quốc tế tuần qua, một trong các động lực cho nền kinh tế Việt Nam là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu giảm do nhu cầu nước ngoài suy yếu, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và EU. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm năng, cơ hội để phục hồi; triển vọng kinh tế và trung và dài hạn được đánh giá tích cực; nhiều định chế quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao tại khu vực và toàn cầu trong năm nay. 

Một trong các động lực cho nền kinh tế là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhận định từ báo chí quốc tế tuần qua.

"Việt Nam - Hòn ngọc đầu tư ở Đông Nam Á" là tiêu đề bài viết trên trang Hubbis. Trang báo trích đánh giá của tổ chức AQUIS Capital nhận định Việt Nam là quốc gia đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, với cơ cấu nhân khẩu học hấp dẫn, Việt Nam đang chứng tỏ là thỏi nam châm thu hút ngày càng nhiều các công ty quốc tế, gồm cả vốn và công nghệ, chuyên môn.

"Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, những thách thức tiềm ẩn liên quan đến việc một số công ty rút khỏi Việt Nam sẽ được giải quyết bằng cách thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất trong nước", ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá.

Việt Nam - “thỏi nam châm” hút FDI - Ảnh 1.

Nhiều định chế quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao tại khu vực và toàn cầu trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Trang Consultancy nhận định, Việt Nam, cùng với Malaysia, Indonesia và Philippines được xếp vào danh sách các quốc gia có thị trường mới nổi hoạt động tốt nhất; ghi nhận sự gia tăng chỉ số thu hút FDI toàn cầu nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện.

Trong khi đó, trang Hellenic Shipping News cho biết: "Kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ việc các nước dịch chuyển chuỗi cung ứng, tuy nhiên đất nước cần tiếp tục cải thiện quy trình thương mại, hải quan, cơ sơ hạ tầng và hậu cần".

"Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều khoản đầu tư tiếp tục đến Việt Nam trong dài hạn, bởi vì chúng tôi đang có một tầm nhìn dài hạn. Điều đó đảm bảo rằng chúng tôi có sẵn cơ sở vật chất cho các nhà điều hành đưa nhà máy vào sản xuất. Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều lĩnh vực dịch vụ chuyển đến Việt Nam, Việt Nam được coi là một quốc gia an toàn trên toàn cầu", ông Matthew Lourey, Giám đốc điều hành ACCLIME Việt Nam, nhận định.

"Có một số cơ hội cho nền kinh tế. Việc mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc nhanh hơn dự kiến sẽ giúp phục hồi nhu cầu xuất khẩu từ Trung Quốc, hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam, giảm bớt sự suy giảm từ Mỹ, EU. Bên cạnh đó, Chính phủ đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Về tài khóa, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh các nỗ lực giải ngân đầu tư công nhằm hỗ trợ phần nào cho nền kinh tế", ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore, cho biết.

Trang Insider Monkey nhận định: "Dù phải đối mặt với những khó khăn từ khủng hoảng toàn cầu, các tác động từ dịch bệnh, Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm nay và nằm trong số 16 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới".

Sau hội nghị với Thủ tướng, doanh nghiệp FDI cam kết đầu tư gần 4 tỷ USD Sau hội nghị với Thủ tướng, doanh nghiệp FDI cam kết đầu tư gần 4 tỷ USD

VTV.vn - Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước