Liên quan đến vụ việc một cá nhân sử dụng thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm phải trả số tiền hơn 8,8 tỷ đồng tại Eximbank Quảng Ninh, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) yêu cầu phải trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc. Đáng chú ý nhất là cách tính lãi gấp hơn 1.000 lần của Ngân hàng Eximbank sau 11 năm.
Từ 1 khoản nợ 8,5 triệu đồng, ước tính chịu lãi suất thẻ 87% một năm gồm các loại lãi suất, phí phạt... thì sau 1 năm số tiền cần thanh toán là khoảng 16 triệu đồng, gần như gấp đôi. Sau đó, lãi nhập gốc và tiếp tục bị tính cho đến nay đến số tiền là hơn 8,8 tỷ đồng.
Vẫn với mức lãi suất lên đến 87%/năm, nhưng nếu chỉ tính trên khoản gốc 8,5 triệu đồng, theo cách tính của các ngân hàng khác, tổng số tiền chỉ khoảng 60 triệu đến 90 triệu đồng. Theo các chuyên gia, có thể Eximbank đã tính lãi kép.
"Lãi kép có nghĩa là tính lãi dựa trên gốc và lãi đã tính, tức lãi mẹ đẻ lãi con. Thông thường các ngân hàng tính lãi kép cho các món về huy động hay đầu tư thôi. Tôi chưa thấy một ngân hàng nào mà tôi làm việc tại Mỹ họ tính lãi kép cho vay cả. Đến hạn trả nợ sau 90 ngày mà không trả được nợ thì các ngân hàng tự động không tính lãi nữa", ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho hay.
Ngoài cách tính lãi suất của Eximbank, còn một vấn đề nữa dư luận quan tâm là tính hiệu lực của hợp đồng. Ngân hàng khẳng định đã thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng nhiều lần để thu hồi nợ. Còn khách hàng khẳng định, đã được nhân viên ngân hàng nói mình không đủ điều kiện để mở thẻ.
Luật sư Bùi Quang Hưng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: "Ngân hàng có những tài liệu chứng minh rằng người khách hàng này tự kích hoạt thẻ tín dụng thì khách hàng đó phải tự chi trả khoản tiền này cùng với mức lãi suất hợp lý của Ngân hàng Nhà nước, không phải là mức lãi suất rất cao năm sau gấp đôi năm trước. Còn trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo nào đó từ phía nhân viên của ngân hàng thì ngân hàng sẽ phải tự tìm cách truy thu lại số tiền này, không phải liên quan đến người khách hàng kia".
Ngày 20/3 là hạn cuối cùng Eximbank phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả xử lý vụ việc
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!