Vùng chuyên canh cam, bưởi sẵn sàng cho vụ Tết

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/12/2021 11:54 GMT+7

VTV.vn - Tại các địa phương chuyên canh trồng nông sản Tết như cam, bưởi, nhiều nhà vườn đang sẵn sàng cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng.

Cam bố hạ đã từng mai mai một, nay được nhân rộng ở huyện Phù Cừ, Hưng Yên. Giống cam có kích thước to ngang một trái bưởi, mọng nước và đẹp mã, phù hợp với mâm ngũ quả ngày Tết. Sản lượng cam bố hạ của gia đình chị Tâm là hơn 15 tấn, hiện chỉ còn 5 tấn quả loại to, mã đẹp phục vụ thị trường Tết.

"Tết đến mọi người mua về trưng bày Tết, rồi đi làm lễ. Ngày Tết, khi người dân ăn nhiều thức ăn như thịt, mỡ, họ thích vắt nước cam ra uống, rất là mát và dễ chịu", chị Trần Thị Tâm, huyện Phù Cừ, Hưng Yên, chia sẻ.

Hợp tác xã Đức Thắng năm nay trồng khảo nghiệm 2 ha bưởi siêu ngọt cho thu hoạch đúng Tết Nguyên đán. Giống bưởi này có vị ngọt đậm hơn cả bưởi diễn, nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Năng suất cao từ 200 đến 250 quả một cây, nhiều khách đã đến vườn đặt cả cây ăn Tết.

Vùng chuyên canh cam, bưởi sẵn sàng cho vụ Tết - Ảnh 1.

Những hoa trái phục vụ Tết đang ở độ chín rộ, mang theo biết bao hy vọng của nông dân cho cả 1 năm chăm bón. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Còn tại huyện Lục Ngạn, vùng chuyên canh cây có múi lớn nhất ở Bắc Giang với hơn 6.700 ha, từ mấy tuần trước nông dân đã bón ngô và đậu tương đợt cuối để cho cam ngọt đúng độ Tết. Sản lượng cam ngọt ước tính toàn huyện lên tới 4.000 tấn. Năm nay cam ngọt được mùa, mỗi cây cho 1 tạ quả, gia đình ông Trường dự tính thu về hơn 5 triệu 1 cây.

"Năm nay thời tiết thuận lợi cho cây cam vào độ ngọt. Với sản lượng như năm nay, khả năng Tết tiêu thụ thuận lợi", ông Phạm Văn Trường, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết.

"Nếu dịch bệnh bùng phát vào dịp Tết Nguyên đán, đúng vào dịp tiêu thụ quả, gia đình cũng đã chuẩn bị phương án, bố trí phương tiện vận chuyển bưởi đến tận tay thương lái", anh Lục Văn Hùng, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho hay.

Những hoa trái phục vụ Tết đang ở độ chín rộ, mang theo biết bao hy vọng của nông dân cho cả 1 năm chăm bón. Giờ bà con chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát tốt để buôn bán thuận buồm xuôi gió.

Nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán tăng hơn năm 2020

Theo thông tin từ diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu nông sản Tết Nguyên đán 2022 do Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, nguồn cung nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, lúa gạo đạt gần 43,9 triệu tấn. Thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng gần 15%). Trứng 16 tỷ quả (tăng 10%). Thủy sản trên 8,7 triệu tấn (tăng 1%). Rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%). Về nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, trung bình tăng từ 15 - 20% tùy từng sản phẩm.

Các địa phương, thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với đầu ra ổn định cho bà con.

Đa dạng hình thức tiêu thụ nông sản Tết

Có thể thấy, Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời đã giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, nhất là khi Tết đã cận kề.

Trong khi việc ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai, Bộ Công Thương đã khuyến cáo bà con và các doanh nghiệp cần tập trung khai thác thị trường nội địa để điều tiết thị trường, bởi hiện cũng đúng thời điểm nhu cầu hàng hóa nông sản cho tết tăng cao, bên cạnh đó cần đa dạng các kênh bán hàng, tăng cường xúc tiến thương mại.

Long nhãn, hạt sen sấy, hay mới nhất là trà măng tây, những sản phẩm OCOP địa phương nay đã có một diện mạo mới và cùng góp mặt trong hộp quà Tết OCOP, mẫu mã được thiết kế bắt mắt với nhiều kiểu dáng đậm chất Tết Việt, đã giúp gia tăng sự hấp dẫn và giá trị của những sản phẩm địa phương.

Vùng chuyên canh cam, bưởi sẵn sàng cho vụ Tết - Ảnh 2.

Nguồn cung nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

30 hợp tác xã và doanh nghiệp bán nông sản Tết tại Hưng Yên đã có mặt ở hội chợ nông sản. Từ đây nhiều nhà vườn đã tìm được những mối hàng Tết sau những tháng ngày lo lắng vì dịch bệnh mà tiêu thụ chậm.

"Nếu mọi người có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng phục vụ và vận chuyển đến tận nơi dù ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hay TP Hồ Chí Minh", bà Hoàng Thị Hường, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, cho hay.

"Giá cả tương đối ổn đỉnh, các mặt hàng như long nhãn, hạt sen, mật ong, bột sắn dây là những mặt hàng được khách hàng ưa chuộng", bà Đỗ Thị Ngoãn, HTX Tân Hưng, Hưng Yên, cho biết.

Ngày 28/12, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây có múi và nông sản Tết đã được UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức, kết nối với trực tuyến với 21 điểm cầu trên cả nước. Các phiên giao thương trực tuyến giúp kết nối các hợp tác xã, nhà vườn, doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên với các đầu mối thu mua nông sản phục vụ Tết Nguyên đán với các hệ thống phân phối trong nước, nhà nhập khẩu.

Nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15 - 20% tùy từng sản phẩm. Do đó, các địa phương, các nhà vườn và hợp tác xã có phương án chủ động kết nối thông tin, tìm thị trường sớm sẽ giúp việc tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.

Bộ Công Thương: Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước Bộ Công Thương: Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước

VTV.vn - Trước tình hình ùn ứ tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước