Chế biến tôm xuất khẩu tại một công ty. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2021 dịch COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp. Song, ngành nông nghiệp tận dụng được lợi thế từ các FTAs để thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thêm nhiều thị trường mới.
Cùng với đó, phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt.
Thống kê sơ bộ, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.
Năm 2021, tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, trong rổ hàng này tới 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD, giảm 40,8% so với năm 2020.
Chia sẻ con số xuất khẩu nông sản năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, dù đạt được con số cao kỷ lục nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian tới toàn ngành xác định từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành.
Bên cạnh đó, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tranh thủ các FTA và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!