Theo các đại biểu, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ không có bộ máy hành chính cấp vùng, không có liên kết vùng, địa phương nào biết địa phương đó, chưa có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa các địa phương. Môi trường đầu tư kinh doanh tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chưa đồng đều, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giữa các địa phương trong vùng có sự chênh lệch lớn, trong khi năm 2018 Quảng Ninh đứng số 1 thì Hải Dương, Hưng Yến đứng thứ 55 và 58. Đặc biệt, có đại biểu còn chỉ ra chi phí thực hiện thủ tục hành chính tại vùng đang hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước.
"Đơn cử như nhóm thủ tục xây dựng ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang cao gấp hơn hai lần so với trung bình toàn quốc. Trong đó, riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía Bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và chi phí tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục. Trong khi tỷ lệ này trung bình ở cả nước 67%, ở miền Nam là 24%, miền Trung là 61%", bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho hay.
Một số hạn chế khác cũng được các đại biểu chỉ ra như tỷ lệ cơ cấu dịch vụ đang có chiều hướng giảm, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chưa có quy hoạch chính thức kết nối đường thủy, đường bộ. Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới vẫn đứng thứ 2 trên cả nước nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn thu của vùng dù tăng nhưng chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số lĩnh vực và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải nhìn thẳng vào những khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục. Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, làm việc với các cơ quan liên quan, để đề xuất mô hình điều hành Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Chúng ta sẽ có một thể chế liên kết vùng, cơ chế liên kết vùng, nghiên cứu thành lập hội đồng vùng, nghiên cứu cho công - nông nghiệp rõ nét hơn. Mục tiêu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải là đi đầu trong trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; phấn đấu cùng với vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là 1 trong 2 đầu tàu của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu kéo của phát triển kinh tế của cả nước".
Về định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải xác định nghành nghề trụ cột ưu tiên, cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương đến xã hội, đặc biệt là đầu tư tư nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!