Thế hệ trẻ thích tiêu xài
Tỷ phú người Australia Tim Gurner từng khiến giới trẻ toàn thế giới xôn xao khi tuyên bố thẳng thừng: "Nếu một thanh niên sẵn sàng chi tới 40 USD (gần 900.000 đồng) cho bữa ăn trông đẹp mắt chỉ để đăng tải lên Instagram khoe khoang thì cũng đừng bao giờ nghĩ tới việc có thể mua nhà". Đây được coi là lời nhắc nhở sâu cay tới những người trẻ ngày nay về thói quen tiêu xài lãng phí.
Đặc biệt, những người thuộc thế hệ Y và Z (những người sinh từ năm 1981 - 2000) đang cho thấy sự thoải mái trong việc nuông chiều bản thân, từ thoải mái mua sắm, giải trí, du lịch và chạy theo sở thích cá nhân.
Người trẻ châu Á ngày càng thích "Vung tay quá trán"
Bộ phim Hàn Quốc "Ký sinh trùng" từng đoạt tới 4 tượng vàng Oscars hồi đầu năm nay khi khắc sâu thực tế khoảng cách giàu nghèo rõ rệt luôn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. Hơn hết, một cuộc sống hào nhoáng, thoải mái, chi tiêu thoải mái vẫn luôn có sức hút rất lớn với bất kỳ ai. Tại Hàn Quốc và một số nước châu Á, ngày càng nhiều người trẻ đang tạm gác lại chuyện dự phòng cho tương lai để tìm cách chiều chuộng bản thân trong hiện tại hơn.
Nhiều người trẻ có thói quen tiêu xài lãng phí, thỏa mãn nhu cầu bản thân. (Ảnh minh họa: The Wall Street Journal)
Đối với nhiều thanh niên tại Hàn Quốc, việc đầu tiên sau dịch COVID-19 là xếp hàng mua đồ hiệu. Chẳng cần phải giàu mới được chi tiêu thỏa thích, làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí "làm 1 tiêu 10" đã trở thành lối sống của nhiều người trẻ Hàn Quốc.
"Tôi thường chi tiêu cho những thứ đắt tiền vì nó giúp tôi xả stress sau ngày làm việc vất vả" - chị Kim Ryun (người tiêu dùng Hàn Quốc) chia sẻ.
Gần một nửa người trẻ Hàn Quốc cho rằng việc mua nhà là "còn lâu" hoặc "không thể", khi giá nhà ở Seoul đã ngang bằng với New York (Mỹ), dù mức thu nhập của họ không thể sánh bằng. Họ cũng bất lực khi rơi vào cảnh thất nghiệp hay phải đối mặt với bất bình đẳng xã hội. Cứ 10 người trẻ Hàn Quốc thì có đến 7 người tin rằng xã hội đang bất bình đẳng nghiêm trọng. Họ phải ra sức cạnh tranh để bước vào thị trường việc làm phân cấp và chuyên quyền từ các đế chế tài phiệt.
"Làm 1 tiêu 10" đã trở thành lối sống của nhiều người trẻ Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters)
Mạng xã hội - nơi việc "nuông chiều bản thân" được ủng hộ cũng là một yếu tố góp phần tạo nên làn sóng chi tiêu. Xu hướng chi tiêu này không chỉ có ở Hàn Quốc mà đã bắt đầu len lỏi ở nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản.
Bên cạnh việc chỉ trích giới trẻ như thế hệ chạy theo xu hướng và hưởng thụ, giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần nghiêm túc quan tâm đến những mối lo của họ nhiều hơn.
Nợ chồng nợ - Quả bom hẹn giờ chực chờ phát nổ
Với thói quen tiêu tiền không cần nhìn giá như vậy, nên chẳng mấy chốc, những thanh niên Hàn Quốc đã gánh trên vai khoản nợ "dường như không thể trả nổi". Nợ chồng nợ, vô hình chung, họ tự đẩy mình vào hoàn cảnh bế tắc.
Thu nhập 620.000 Won/tháng (khoảng 12 triệu đồng), nhưng anh Koo Young-gyu lại có thể chi tiêu thoải mái gấp 60 lần số lương hàng tháng của mình, nhờ 4 chiếc thẻ tín dụng. Có tiền sẵn trong tay, anh quyết định nghỉ làm 1 năm rưỡi để đi du lịch và mua sắm bất cứ thứ gì mình thích.
Trong căn hộ bé xíu ở Seoul, những món đồ anh đặt mua qua mạng dường như chiếm hết chỗ của anh và chú mèo nhỏ. Phần nhiều trong số đó chỉ được anh dùng qua một lần, nhưng anh quên rằng 4 chiếc thẻ đều là thẻ ghi nợ, tức anh đang đứng trước một khoản nợ ngân hàng lên tới 87 triệu Won (khoảng 1,6 tỷ đồng). Việc đã nghỉ, tiền đã ứng, không còn cơ hội nào để anh Koo có thể tự trả nợ. Suốt 11 tháng, anh bị chủ nợ truy lùng ráo riết.
Năm 2016, sau khi bị gia đình phát hiện khoản nợ khổng lồ, anh Koo đã cố gắng tự tử 3 lần. Tuy nhiên, anh Koo không phải duy nhất. Từ năm 2014 đến 2018, hơn 800 người định chấm dứt cuộc sống bằng cách nhảy cầu Mapo ở Seoul, vì không trả được nợ.
Theo Ngân hàng Hàn Quốc, đến tháng 9/2019, người dân nước này nợ khoảng 1.600 nghìn tỷ Won, bao gồm: tiền học đại học, tiền mua xe và mua nhà, tiền mua sắm qua thẻ tín dụng và đánh bạc trực tuyến.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thói quen chi tiêu của giới trẻ châu Á đang gây lo ngại và câu chuyện tương tự đang xảy ra ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Anh Koo Young-gyu chi tiêu thoải mái, gấp 60 lần số lương hàng tháng của mình.
Một nghiên cứu của đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cho thấy, cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ hứng chịu hậu quả nếu nợ phình to, gây nên tình trạng giàu giả tạo. Khi các khoản nợ tín dụng không thể trả, các hộ gia đình cạn tiền, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ sụt giảm.
Ngày 10/6, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, do đại dịch COVID-19 tác động xấu đến thị trường việc làm.
Có thể thấy, nếu như trước đây, quả bom sẽ chỉ thực sự phát nổ khi người trẻ nhận ra mình không còn khả năng chi trả cho những quyết định chi tiêu ngẫu hứng trước đó, thì ngày nay, ảnh hưởng to lớn và đột ngột của đại dịch COVID-19 đang khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc thấm thía thế nào là bất ngờ bị đẩy vào tình huống dọa cắt giảm lương, phải bó chân làm việc ở nhà và không có gì chắc chắn đảm bảo về mặt tài chính cho những tháng tiếp theo. Vì vậy, kinh nghiệm của thế hệ trước với lối sống luôn dự phòng những bất trắc bất ngờ trong tương lai mới khiến người trẻ phải thức tỉnh và tâm phục, khẩu phục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!