Vướng mắc pháp lý về nuôi biển

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/04/2024 06:16 GMT+7

VTV.vn - Những người nuôi biển đang cần sự tháo gỡ để hiện thực hóa khát vọng mở biển.

Đẩy mạnh nuôi biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản là một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và đảm bảo phát triển bền vững ngành thủy sản". Tiềm năng lớn, quyết tâm cao, nhưng nhiều rào cản khiến nuôi biển gặp khó tại nhiều địa phương. Những người nuôi biển đang cần sự tháo gỡ để hiện thực hóa khát vọng mở biển.

Từ năm 2021, khi Nghị định 11 về giao vùng biển cho tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên được ban hành, đến thời điểm này, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý.

Dù thẩm quyền cấp là của UBND tỉnh, nhưng nếu muốn được cấp mặt nước nuôi biển, ít nhất phải xin ý kiến của 6 bộ, ngành.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập Đoàn STP cho biết: "Chúng tôi mong rằng có một công thức chung vận hành để giao sớm cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp chúng tôi có được mặt nước 30 năm, đó chính là ngoài việc chúng tôi yên tâm đầu tư canh tác, việc kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ và đưa ngành nuôi trồng thủy sản có cơ hội đi ra".

Vướng mắc pháp lý về nuôi biển - Ảnh 1.

Đến thời điểm này, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt đến nay đã 4 năm. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố quy hoạch, nhưng khi đi vào quy hoạch chi tiết cho lĩnh vực nuôi biển vẫn còn vướng mắc.

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nêu ý kiến: "Khó nhất của Ninh Thuận cũng như các địa phương hiện nay là vướng về pháp lý quy hoạch không gian biển, các cơ chế chính sách về nuôi biển nước sâu của Chính phủ cũng chưa ban hành".

Việt Nam đang bắt đầu xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia. Để tháo gỡ nút thắt trước mắt, các địa phương cần được tạo điều kiện có thể thực hiện đồng thời những quy hoạch ở cấp thấp hơn cho nuôi biển trong khi chờ quy hoạch chung.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tổng hợp những vướng mắc để kiến nghị và trong tháo gỡ quy hoạch không gian biển, không gian nuôi trồng trên biển để tránh chồng chéo, vướng mắc giữa các bộ ngành".

Bà Hilde Solbaken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ: "Chính quyền, doanh nghiệp và nhà khoa học Việt Nam cần ngồi lại với nhau để xây dựng một khung thể chế thỏa đáng, xác định rõ ràng vùng biển nào dành cho nuôi trồng thủy sản, khu vực nào để phát triển du lịch, dầu khí, hàng hải, đảm bảo sự phát triển hài hòa của mọi ngành kinh tế biển".

Diện tích biển Việt Nam có diện tích trên một triệu km2, trong khi đó, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Tháo gỡ sớm những vướng mắc pháp lý cũng là hỗ trợ ngành nuôi biển khai thác tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước