Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tổng dư nợ của toàn nền kinh tế có 72% dư nợ có tài sản bảo đảm, trong đó 66% là bất động sản (BĐS). Nếu tính trên tổng số nợ xấu, thì trên 80% có tài sản bảo đảm và trong số này có 57% là BĐS. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản đảm bảo là BĐS để thu hồi nợ đang gặp phải vướng mắc do ràng buộc bởi nhiều quy định. Đặc biệt nếu khách hàng không chịu ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ngân hàng thì ngân hàng không bao giờ bán được để thu hồi nợ.
Gỡ nút thắt này, dự thảo Thông tư đã đưa ra quy định về thu hồi tài sản thế chấp. Trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp. Việc thu hồi tài sản thế chấp sẽ được áp dụng đối với cả trường hợp chưa đến hạn xử lý tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm mà bộ Tư pháp đang lấy ý kiến cũng chỉ giúp các tổ chức tín dụng xử lý nhóm tài sản đảm bảo có đầy đủ tính pháp lý. Trong khi đó, lượng tài sản đảm bảo không đủ pháp lý, không thể phát mại mà các tổ chức tín dụng nắm giữ cũng không hề ít.
Khi thị trường BĐS phát triển "nóng", nhiều ngân hàng đã lách luật để cho vay vốn với các dự án chưa đủ điều kiện như chỉ mới có chấp nhận chủ trương, hoặc đang giải phóng mặt bằng. Do đó, các ngân hàng hiện phải ôm khối tài sản đảm bảo không đủ tính pháp lý, muốn phát mại cũng không thể phát mại được .
Theo luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng trong trường hợp các doanh nghiệp không có khả năng để trả nợ thì ngân hàng khó có thể phát mại tài sản để bán.
“Nếu ngân hàng có thu dự án cũng chỉ thu hồi về mặt danh nghĩa chứ số tiền đó không có cách để quy đổi và xử lý. Ngân hàng có kiện nhà đầu tư ra toà hay thoả thuận chủ đầu tư để gán dự án thì ngân hàng không thể biến dự án thành hoàn thiện hoặc bán ra thị trường thu hồi vốn” – Luật sư Thanh Đức nói.