Chiều 8/7, giá vàng châu Á có lúc vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce. Ảnh minh họa.
Vào lúc 15h54 ngày 8/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,3% lên 1.799,22 USD/ounce, sau khi vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2011 là 1.800,18 USD/ounce trước đó trong cùng phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2% lên 1.812,90 USD/ounce.
Các nhà phân tích của ngân hàng HSBC cho rằng, những bất ổn về y tế, tài chính và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra cùng với những hậu quả đi kèm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng cho đến năm 2021.
Theo nhà phân tích thị trường Michael Hewson của CMC Markets UK, các nhà đầu tư đang rút khỏi các tài sản rủi ro khi ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế thế giới khó có thể hồi phục nhanh sau giai đoạn sụt giảm mạnh do dịch COVID-19.
Vàng vẫn được xem là "nơi trú ẩn an toàn" trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục lan rộng (Ảnh minh họa)
Số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt 3 triệu người, trong khi số ca nhiễm mới tại nhiều nơi khác trên thế giới cũng tăng mạnh. Bên cạnh những quan ngại về tình hình kinh tế, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lo ngại rằng diễn biến tiêu cực của dịch COVID-19 có thể tác động xấu tới chi tiêu tiêu dùng và việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng dự báo nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ rơi vào tình trạng suy thoái sâu hơn trong năm 2020.
Tuy vậy, nhà phân tích Julius Baer của Carsten Menke cho hay về trung và dài hạn, sự cải thiện về tình hình kinh tế có thể ảnh hưởng tới giá vàng và nhu cầu mạnh nhất đối với các tài sản an toàn hiện thuộc về các quốc gia chịu nhiều tác động nhất bởi dịch COVID-19, như Mỹ và Vương quốc Anh.
Giá vàng đã tăng hơn 18% kể đầu năm 2020 đến nay (Ảnh minh họa)
Hội đồng Vàng Thế giới ngày 7/7 cho biết giá vàng đã tăng hơn 18% kể đầu năm 2020 đến nay và với sức hấp dẫn của kim loại quý này, các quỹ giao dịch vàng đã mua 104 tấn vàng với tổng giá trị 5,6 tỷ USD trong tháng 6/2020.
Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium giảm 0,7% xuống 1.902,17 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,6% xuống còn 830,21 USD/ounce và giá bạc tăng 0,5% lên 18,38 USD/ounce.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!