Vượt sóng gió năm Thìn, lạc quan hướng tới năm Tỵ

Trường Sơn-Chủ nhật, ngày 10/02/2013 08:31 GMT+7

Ảnh minh họa. Nguồn: VNN

Nhâm Thìn là một năm đầy khó khăn với người dân và doanh nghiệp, cả những cơ quan quản lý. Nhưng cũng chính khó khăn đó đang tạo ra những thay đổi và điều chỉnh tích cực đối với nền kinh tế.  

Với gia đình Anh Nguyễn Hữu Huệ, đây là cái Tết đầu tiên trong khu nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Hơn 8 năm đi ở nhờ, ước mơ về một ngôi nhà ở thủ đô chỉ đến với đôi vợ chồng nhà giáo này khi cách đây hai năm khi họ bốc thăm được quyền mua một căn hộ dành cho người thu nhập thấp với giá 11,6 triệu đồng/m2. Xung quanh, giá chung cư lúc đó toàn những 20-30 triệu đồng/m2.

Anh Huệ cho biết: “Giá giảm dần như thế và trở về với giá trị thực của ngôi nhà thì những người như mình, ít tiền hơn mình một chút có thể cố gắng vay mượn, mua, tiếp cận được nhà ở”.

30 Tết, gia đình anh Cao Hoàng Giang, Hoàn Kiếm, Hà Nội mới thu xếp xong việc ở công ty để đi sắm Tết. Vẫn mua bán đầy đủ, nhưng giờ ông chủ doanh nghiệp Hoàng Giang cũng phải cân nhắc hơn trước khi quyết định mua thứ gì. Cũng dễ hiểu, trong năm kinh tế khó khăn, doanh thu, lợi nhuận của công ty đều giảm so với năm trước. Tuy nhiên xét cho cùng, doanh nghiệp của anh Giang vẫn còn may mắn vì vẫn tồn tại được, trong khi có tới gần 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa trong khoảng 1 năm qua. Nhưng để tồn tại, phải điều chỉnh và thay đổi.

“Thưởng Tết cho nhân viên cũng phải cắt giảm đi, không được bằng năm ngoái. Nhân sự cũng phải thay đổi, rồi cơ cấu lại bộ máy tổ chức làm sao để giảm chi phí hoạt động, để vượt qua năm nay để hướng tới năm tới. Hy vọng năm tới sẽ thành công hơn và kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn”, anh Cao Hoàng Giang bộc bạch.

Tại chợ hoa Tết Hàng Lược ngày 30 Tết, nhà gần, ông Nguyễn Quang Thái đã hàng chục năm gắn bó với chợ hoa này nhận xét: “Vẫn cái chợ đấy, vẫn ngày cuối năm, nhưng chợ hoa năm nay vắng hơn so với những năm trước. Không nhiều những cành đào lớn, đắt tiền, những cành nhỏ giá vừa phải lại được nhiều người quan tâm. Lý do, theo người bán, người mua, phần vì thời tiết, phần vì túi tiền eo hẹp hơn, nên cũng phải điều chỉnh thú chơi đào một chút”.

Vị chuyên gia kinh tế già gốc phố cổ Nguyễn Quang Thái cho rằng, sự điều chỉnh đó của người dân là cần thiết, nó cũng giống như những điều chỉnh của các doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước để thích ứng với tình hình khó khăn của nền kinh tế.

“Trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, mỗi người đều phải suy nghĩ và tính toán để thấy rằng cái khó khăn không phải nhất thời, không phải chỉ trong một vài tháng, cho nên họ điều chỉnh. Từng doanh nghiệp, từng con người, từng hộ gia đình, đến từng ngành đều phải điều chỉnh. Chính phủ cũng đã ban hành những chính sách để điều chỉnh. Ví dụ nghị quyết 13 năm 2012 đã điều chỉnh một chút, nhưng đến Nghị quyết 01 và đặc biệt là nghị quyết 02 để hỗ trợ thị trường, khuyến khích sản xuất là những điều chỉnh lớn hơn. Hay là cả đất nước chúng ta đang bàn nhau để làm sao có bản Hiến pháp thể hiện đúng tầm vóc của dân tộc trong tình hình mới. Đó là những cái điều chỉnh tích cực của nền kinh tế”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước