WB: Đô thị hóa của Việt Nam đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt

VTV Digital-Thứ năm, ngày 01/12/2022 09:46 GMT+7

VTV.vn - Quá trình đô thị hóa của Việt Nam hiện đang ở thời điểm mang tính chất bước ngoặt. Đây là nhận định của đại diện WB tại Hội nghị Đô thị toàn quốc diễn ra hôm 30/11.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt mức trên 6%.

Tốc độ tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng năng suất và hiệu ứng quần tụ do quá trình đô thị hóa nhanh chóng mang lại. Việt Nam cần củng cố thể chế và nâng cao năng lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cách tiếp cận đối với phát triển đô thị bền vững và có khả năng chống chịu.

Để cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các đô thị tại Việt Nam, việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị là rất quan trọng, đặc biệt là đầu tư vào quản lý rủi ro lũ lụt và hệ thống giao thông công cộng công suất cao.

Song song với việc cải thiện năng lực cạnh tranh, cần phải đối phó với biến đổi khí hậu, bởi lẽ lũ lụt đô thị là một thách thức nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng tăng.

WB: Đô thị hóa của Việt Nam đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.

Theo WB, Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới và hơn 35% khu dân cư hiện đang nằm ở các khu vực ven biển. Bảo đảm rằng việc phát triển có cân nhắc đến các vấn đề khí hậu là đặc biệt quan trọng, điều này sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận có cấu trúc để đảm bảo rằng vừa đảm bảo tính cạnh tranh và tính bền vững.

Một cân nhắc quan trọng đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng mới là lồng ghép tư duy và biện pháp tăng cường khả năng chống chịu vào quy hoạch, kỹ thuật và thiết kế và vận hành cơ sở hạ tầng, dù là bất kể loại cơ sở hạ tầng nào.

Để làm chậm tác động của biến đổi khí hậu, đạt được các cam kết phát thải ròng bằng không ở COP26, sẽ đòi hỏi cả sự lãnh đạo tập trung do Chính phủ lãnh đạo và các nỗ lực phối hợp trong khu vực.

Trong khi đó, đại diện Bộ TN&MT cũng cho biết, theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ cập nhật và công bố mới đây, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các vùng trên cả nước đều tăng cao. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặt biệt là các cơn bão từ mạnh đến rất mạnh có xu hướng gia tăng.

Với dải ven biển có chiều dài hơn 3.000 km và các vùng biển hải đảo Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro và nguy cơ, tác động tiềm tàng nhiều nhất liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển. Nếu nước biển dâng 100 cm, đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập tới trên 47,29% diện tích.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, công tác quy hoạch, phát triển đô thị tại Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa thích ứng với các tác động tiêu cực của thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn do biến đổi khí hậu, vừa thực hiện trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện nghĩa vụ của một Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước