Website bán hàng trực tuyến lừa đảo "nhan nhản" mùa COVID-19

Lê Hồng Quang (PV thường trú Đài THVN tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 11/05/2020 11:45 GMT+7

VTV.vn - Báo chí châu Âu lên tiếng cảnh báo về các website bán hàng trực tuyến lừa đảo, trong thời điểm mua hàng qua mạng đang tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng gần đây.

Hàng hoá chất lượng thấp từ Trung Quốc đã lọt vào thị trường châu Âu theo cách này.  Đối với nền kinh tế, các website dạng này kìm hãm thương mại điện tử, vì làm cho người tiêu dùng mất niềm tin.

Báo Thế giới của Pháp có bài về "các nền tảng thương mại trực tuyến bán quần áo và đủ thứ trên đời với giá thấp đến mức khó tin" nhằm vào đối tượng khách hàng là "thanh thiếu niên từ 15 đến 25 tuổi, chưa có mấy tiền". Tờ báo không ngần ngại chỉ đích danh: "wish.com đăng ký tại Mỹ, Vova từ Hong Kong, Joom từ Nga, hay AliExpress của Trung Quốc". Tuy đăng ký tại nhiều quốc gia, nhưng điểm chung là hàng Trung quốc siêu rẻ chiếm đa số, "từ khi đặt mua đến khi nhận hàng phải đợi cả tháng, sản phẩm tồi tệ chóng hỏng, không bảo hành, không thể đổi trả, và có lúc là lừa đảo trắng trợn".

 Website bán hàng trực tuyến lừa đảo nhan nhản mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Báo chí châu Âu lên tiếng cảnh báo về các website bán hàng trực tuyến lừa đảo, trong thời điểm mua hàng qua mạng đang tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng gần đây

Tờ báo Đan Mạch Politiken có bài dài mô tả cách thức bán hàng của trang wish.com, mà theo tờ báo thì là "nơi kinh doanh của hơn 100.000 doanh nghiệp nhỏ có xưởng sản xuất tại thành phố Thâm quyến", Trung Quốc. Hàng hoá nào cũng được giảm giá cực sốc. Như đây, đôi giày thể thao giảm giá từ 625 couronne xuống còn có 75 couronne, giảm tới 90%; hay máy ảnh, giá thông thường là 617 thì ở đây chỉ còn chưa tới 1/10… rẻ hơn cả cái vé xem phim. Không có gì đảm bảo đó là hàng tốt, hơn nữa "giá niêm yết là ảo", vì "người mua hàng thường chưa biết là, rồi sẽ còn phải đóng thêm thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi nhận hàng".

Đã có nhiều người châu Âu mua hàng kiểu này và bị lừa đảo trắng trợn. Có lúc hàng tới nhưng "Nếu nhân viên hải quan phát hiện đó hàng giả, thì người mua được mời tới chứng kiến hàng bị tiêu huỷ, người mua có thể còn bị rắc rối với pháp luật" nữa. Tờ Der Standard ra tại Áo có viết: "Không hiếm trường hợp người tiêu dùng không nhận được hàng, mà cũng không thể đòi lại tiền". Không có cách nào buộc người bán ở mãi tận Trung Quốc phải đổi lại hàng hay trả lại tiền; khiếu nại trên trang bán hàng thì nhận được email tiếng Anh xen lẫn tiếng Trung giải thích dài dòng, nhưng tiền thì nhất quyết không trả.

Trò lừa đảo tiếp diễn được, là do vẫn có nhiều người châu Âu thấy đồ rẻ quá, vài Euro chẳng đáng là bao, thế là nổi hứng mua thứ không thực sự cần. Đến khi biết bị lừa, thì cũng là do số tiền bị mất không nhiều, nên tặc lưỡi bỏ qua. Theo tờ Người Paris, những người bán hàng cũng khôn khéo, "không bán các sản phẩm có nhãn mác nổi tiếng" và do không bán hàng nhái hàng giả, nên không lo bị kiện tụng. Các nước châu Âu chỉ có thể khuyến cáo mọi người là nên thận trọng khi mua hàng ở các trang đó mà thôi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước