World Bank: Tăng giá điện và lương có thể ảnh hưởng đến lạm phát nửa cuối năm

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 19/05/2023 16:17 GMT+7

VTV.vn - Dù có xu hướng giảm trong tháng 4 song Ngân hàng Thế giới vẫn cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng trở lại vào nửa cuối năm với tác động từ việc tăng lương và giá điện.

Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5/2023, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) đánh giá lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam giảm từ 3,4% trong tháng 3 xuống 2,8% trong tháng 4. Lương thực và thực phẩm, cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng là những nhân tố chính gây ra lạm phát CPI, tăng tương ứng 3,6% (so cùng kỳ) và 5,2% (so cùng kỳ) trong tháng 4. 

Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, năng lượng và các mặt hàng bị kiểm soát giá (dịch vụ giáo dục và y tế) điều chỉnh giảm từ 4,9% trong tháng 3 xuống 4,6% trong tháng 4, vẫn cao hơn mục tiêu chính sách 4% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. 

"Trong khi lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4, việc tăng giá điện 3% gần đây và kế hoạch tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm", World Bank nhận định.

World Bank: Tăng giá điện và lương có thể ảnh hưởng đến lạm phát nửa cuối năm - Ảnh 1.

Giá bán lẻ điện tăng 3% kể từ ngày 4/5 vừa qua

Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ ở mức độ vừa phải khi hiệu ứng cơ sở thấp sau COVID-19 năm 2022 giảm dần. Cụ thể, doanh số bán lẻ ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11,5% (so với cùng kỳ) trong tháng 4, ngang bằng so với tháng 3 năm 2023 (11,5% so với cùng kỳ) và so với tốc độ tăng trưởng trước COVID-19.

Cũng theo định chế tài chính này, tăng trưởng tín dụng ước tính đã giảm xuống 9,2% (so với cùng kỳ) vào tháng 4, từ mức 9,9% (so với cùng kỳ) vào tháng 3 và 12,2% (so với cùng kỳ) vào tháng 2, mức thấp nhất trong những năm gần đây. 

Việc tín dụng chững lại bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào có thể phản ánh khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế.

Ngoài ra theo World Bank, thương mại hàng hóa quốc tế tiếp tục thu hẹp khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt là 17,1% (so cùng kỳ) và 20,5% (so với cùng kỳ) vào tháng 4 năm 2023. 

Sự sụt giảm trong xuất khẩu được chủ yếu xuất phát từ sự suy giảm giảm đáng kể trong xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt trong tháng 4, bao gồm: Điện thoại thông minh (-31% so với cùng kỳ), máy tính (-8%), máy móc (-14%), dệt may (-24%), và giày dép (-10%). 

Điều này phản ánh sự suy yếu nhu cầu của nền kinh tế Mỹ và EU, hai thị trường mà xuất khẩu giảm tương ứng 22,1% và 14,1% (so với cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2023…

World Bank đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. 

Triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài. 

"Cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn", World Bank khuyến nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước