Xác thực sinh trắc học, giảm thiểu lừa đảo giao dịch ngân hàng

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 21/06/2024 09:53 GMT+7

VTV.vn - Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện sinh trắc học với các giao dịch lớn nhằm nâng cao tính an toàn, minh bạch, đảm bảo chính danh của chủ tài khoản.

Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 93 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong những yêu cầu của Chính phủ, đó là các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Mỗi bộ, cơ quan, địa phương phải xây dựng đề án chuyển đổi số để kết nối và thực hiện hiệu quả Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đề án 06 là Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ cho việc chuyển đổi số quốc gia". Tức là mỗi công dân hiện nay sẽ có một mã định danh điện tử riêng của mình, sử dụng trên ứng dụng VneID. Có thể hình dung, mỗi dữ liệu như một trái bóng, hiện nay dữ liệu của dân cư đang nằm rải rác ở các bộ ngành, lĩnh vực khác nhau nay được tập hợp lại để tạo thành một "chiếc bể" dữ liệu dân cư của cả quốc gia.

Kể từ ngày 1/7, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, VneID sẽ là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.

Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết: "Tất cả các cổng hệ thống thông tin sẽ không tạo lập riêng một quản lý tài khoản mà sẽ sử dụng tài khoản này. Thứ hai là những thông tin trong tài khoản định danh và đã được xác thực chính danh, đó là thông tin của công dân. Thứ ba, các thông tin lịch sử thực hiện dịch vụ công ở các tài khoản trước đều liên kết với tài khoản của VneID mà công dân không bị mất lịch sử sử dụng trước đó. Đó là mang tính đồng nhất".

Trước đây, mỗi cổng dịch vụ công của các bộ ngành, địa phương lại yêu cầu người dân lại tạo lập một tài khoản riêng trên hệ thống, rất khó kiểm soát và liên kết. Nếu chúng ta có thể sử dụng chung một tài khoản cho tất cả các dịch vụ công sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, tiện lợi cho người dân.

Ngày xưa mỗi người đều thường xuyên phải mang theo những giấy tờ như căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng ký xe… Hiện nay, nếu tải ứng dụng VneID, tất cả giấy tờ đã được tích hợp trên ứng dụng này. Các địa phương cũng đang tích hợp rất nhiều dịch vụ công trên ứng dụng VneID để có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Xác thực sinh trắc học, giảm thiểu lừa đảo giao dịch ngân hàng - Ảnh 1.

Mỗi công dân hiện nay sẽ có một mã định danh điện tử riêng của mình, sử dụng trên ứng dụng VneID

Phát huy hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Trước đây, để đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp, người dân phải mất phí 200.000 đồng và rất hay bị lỗi ở khâu thanh toán lệ phí. Nay được miễn phí, bỏ qua khâu thanh toán, nên chỉ sau vài phút, anh Sơn đã dễ dàng hoàn thành việc đăng ký.

Anh Trần Ngọc Sơn - Huyện Phú Xuyên, Hà Nội phấn khởi cho biết, việc đăng ký rất tiện lợi, anh không phải mất công đi lại, mất nhiều thời gian đến tận nơi xếp hàng, lại còn được miễn phí.

Biết thông tin miễn phí cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID, anh Việt không chỉ đăng ký phiếu Lý lịch cho mình để chuẩn bị đi du học, mà còn đăng ký cấp phiếu luôn cho người thân.

Anh Nguyễn Đình Việt - Quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Khi em định sang nước ngoài du học, bố mẹ em cũng cần làm lý lịch tư pháp, em cũng nhắc bố mẹ làm luôn vì điều này thuận tiện hơn cho quá trình đi sang thăm em".

Từ khi bắt đầu triển khai từ ngày 1/6, trung bình, mỗi ngày có hơn 700 lượt đăng ký Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID, tăng gấp rưỡi so với trước.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội nhận định: "Thành phố Hà Nội triển khai miễn phí cho công dân từ ngày 1/6/2024 đến hết 31/12/2024. Sau quá trình 6 tháng triển khai hỗ trợ miễn phí, Thành phố Hà Nội sẽ đánh giá tổng kết và có phương án tiếp theo hỗ trợ người dân".

Thời gian cấp phiếu Lý lịch tư pháp chỉ còn vài phút, giá trị pháp lý ngang như bản giấy. Đây là nỗ lực của Hà Nội nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, hướng tới chính quyền số tiện ích, hiệu quả với người dân.

Việc đồng bộ hoá dữ liệu không chỉ rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí mà còn hạn chế được rủi ro giao dịch. Kể từ ngày 1/7 tới đây, theo quy định 2345 của Ngân hàng nhà nước, những giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc một tài khoản có tổng giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên trong ngày, sẽ phải xác thực sinh trắc học.

Hình thức này sẽ nâng cao tính bảo mật hơn. Vì sinh trắc học này không chỉ được ghi nhận trên thiết bị như điện thoại cá nhân, mà là sinh trắc học được ngân hàng thu thập dữ liệu này. Nghĩa là trên ứng dụng ngân hàng đang sử dụng, người dân phải xác thực tài khoản của mình gắn với căn cước công dân gắn chip. Để đảm bảo những người chuyển tiền chính là chủ tài khoản ngân hàng và cũng trùng khớp với người nhận diện trên căn cước công dân. Điều này cũng hạn chế tối đa những rủi ro lừa đảo.

Xác thực sinh trắc học, giảm thiểu lừa đảo giao dịch ngân hàng - Ảnh 2.

Đến nay, nhiều ngân hàng đã triển khai tính năng thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng

Xác thực sinh trắc học, giảm thiểu lừa đảo giao dịch ngân hàng

Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện sinh trắc học với các giao dịch lớn nhằm nâng cao tính an toàn, minh bạch, đảm bảo chính danh của chủ tài khoản đang thực hiện giao dịch này.

Trung tá Triệu Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Nếu không phải là người mở tài khoản, không có các yếu tố sinh trắc học của người mở tài khoản thì sẽ không thể sử dụng tài khoản đó để chuyển tiền đi. Như vậy sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính chủ thực hiện giao dịch chuyển tiền. Chúng ta cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng những đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác sử dụng để luân chuyển dòng tiền chiếm đoạt".

Đến nay, nhiều ngân hàng đã triển khai tính năng thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, với một vài thao tác rất đơn giản ngay trên ứng dụng ngân hàng

Ông Vũ Mạnh Hưng - Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank cho biết: "Khi khách hàng vào chức năng thu thập dữ liệu sinh trắc học, khách hàng có thể lựa chọn đưa căn cước công dân vào, để ngân hàng xác minh thông tin dữ liệu căn cước công dân với Bộ Công an để xem căn cước công dân là thật hay giả. Và chúng tôi sẽ đối sánh gương mặt của khách hàng ngay tại thời điểm khi thực hiện giao dịch đó với dữ liệu sinh trắc học trên căn cước công dân để đối sánh nó là 1:1 thì lúc đó chúng tôi sẽ lưu trữ và thu thập giúp khách hàng".

Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, nhằm đồng bộ hoá, minh bạch dữ liệu và đơn giản hoá thủ tục hành chính là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Bên cạnh Nghị quyết 93, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị sơ kết một năm thực hiện và tháo gỡ những điểm nghẽn cho Đề án 06. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư; kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung. Đồng thời, đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước