Hiện nay việc xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu, làm hàng giả, diễn ra không ít, gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức làm hàng giả hầu như chỉ bị xử phạt hành chính, rất ít trường hợp bồi thường thiệt hại cho đơn vị bị xâm phạm.
Sở hữu hợp pháp nhãn hiệu gạch "Royal" nhưng 3 năm qua Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia khốn khổ vì bị công ty CP đầu tư Royal Việt Nam ở Hưng Yên và công ty TNHH Hoàn Mỹ ở Vĩnh Phúc giả nhãn hiệu gạch của Royal. Hiện hai công ty vẫn ung dung bán hàng ra thị trường thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng, chỉ doanh nghiệp bị xâm phạm nhãn hiệu thì thiệt hại nặng.
Ông Đinh Việt Anh - Giám đốc Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia cho biết: "Trong các năm bị nhái thương hiệu doanh số chúng tôi bị giảm khoảng 30%. Đặc biệt, việc làm này ảnh hưởng đến người tiêu dùng khiến cho mọi người nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của chúng tôi".
Năm 2003, công ty Du lịch Hành Trình Việt đã được Cục sở hữu trí trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu "Hành Trình Việt". Tuy nhiên, hiện nay có tới 40 doanh nghiệp khác cũng mang tên này, cùng trong lĩnh vực du lịch, mà vẫn không bị xử lý về xâm phạm nhãn hiệu.
Luật quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có gây thiệt hại về vật chất, tinh thần phải bồi thường cho bên bị xâm phạm. Chế tài đã có nhưng hiện nay việc thực hiện còn chưa nghiêm. Các đại biểu Quốc hội cho rằng Dự án Luật Sở hữu trí tuệ lần này cần quy định rõ người chịu trách nhiệm thực thi, cũng như bổ sung cách tính giá trị trong việc bồi thường thiệt hại cho bên bị xâm phạm, đáp ứng Hiệp định CPTPP và đòi hỏi công bằng của thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!