Giám định và định giá về sở hữu trí tuệ là một bộ phận quan trọng của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trong những năm qua, hệ thống thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã có một số chuyển biến tích cực về mặt tổ chức, chức năng và tính hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ và hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ và đối với nhiều chủ thể Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Trong những năm gần đây, nhu cầu giám định sở hữu trí tuệ cũng như định giá tài sản trí tuệ có xu hướng gia tăng. Từ năm 2009 đến nay, cơ quan quản lý đã tiếp nhận 5.500 vụ giám định, trong đó, nhiều nhất là các vụ liên quan tới nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và một số ít là sáng chế.
Hiện nay, khi có tranh chấp, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án tự đàm phán và thỏa thuận với nhau, ít khi chọn giải quyết tại tòa án. Trong khi đó, công tác giám định gặp phải một số khó khăn như tình trạng thiếu thông tin về sở hữu công nghiệp hay lịch sử xác lập quyền, phục vụ đánh giá tình trạng kỹ thuật, phạm vi bảo hộ và các cơ sở dữ liệu còn chưa được cập nhật thường xuyên.
Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giám định sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ?
Để giải đáp vấn đề này, chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ đã mời tới trường quay ông Nguyễn Văn Bảy - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo chia sẻ của khách mời, các giải pháp được đưa ra bao gồm:
- Các doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức cũng như kiến thức về tài sản trí tuệ và các quyền về sở hữu trí tuệ của mình.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin mới về tài sản trí tuệ để tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp.
- Tích cực tra cứu để tránh xâm phạm nhãn hiệu của người khác và ngăn chặn người khác xâm phạm nhãn hiệu của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!