Việc xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam trong thời gian vừa qua giống như một cỗ xe rất cần tốc độ, nhưng lại không thể bốc lên được như mong đợi. Do đó, áp lực để hoàn thành mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030 là rất lớn.
Trong 10 năm tới, 916 km cao tốc cần được tổ chức thi công, hoàn thành; khoảng 3.000 km đang triển khai và đầu tư mới, gấp 4 lần so với khối lượng đường cao tốc được khởi công, hoàn thành hành của 20 năm qua.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Một hạn chế rất lớn của mạng đường bộ cao tốc Việt Nam là việc phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt là tình trạng "trắng" cao tốc tại các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Tờ Đầu tư dẫn ý kiến của PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang, đường ven biển, ví dụ như tuyến Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh cần được tiếp tục đầu tư sớm, nếu không sẽ trở thành điểm nghẽn lớn cho phát triển. Đây cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục lưu ý Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian vừa qua.
Vẫn loay hoay với đất công xen cài
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh vừa trình dự thảo quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập. Theo đó, nếu trong dự án có diện tích đất công xen kẹt không vượt quá 5%, thì tách ra để thực hiện dự án độc lập.
Tờ Đầu tư Chứng khoán dẫn lời ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa ra tỷ lệ 5% là chưa sát với thực tiễn. Bởi đất triển khai dự án nhà ở hầu hết là đất hỗn hợp, trong đó có đất nông nghiệp, nên các phần đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ, rải rác thường chiếm tỷ lệ khoảng 10 - 15%. Không những vậy, các thửa đất này nằm xen kẽ, rải rác trong dự án nên càng khó đáp ứng tỷ lệ tại dự thảo.
Để hợp lý hơn, thành phố nên quy định tỷ lệ diện tích đất xen cài thuộc Nhà nước quản lý trên tổng diện tích đất thực hiện dự án không vượt quá 15%.
Trong trường hợp tỷ lệ này vượt quá con số này, nhất thiết phải báo cáo UBND thành phố xem xét từng trường hợp một.
Tranh cãi cầm cố chứng minh thư bị phạt nặng
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên phạt nặng việc cầm cố, thế chấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. (Ảnh: PLO)
Đề xuất mới đây của Bộ Công an phạt từ 4 - 6 triệu đồng hành vi cầm cố hoặc thế chấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân đang được dư luận quan tâm. Trong khi, theo quy định hiện nay, chỉ khi cầm cố để thực hiện hành vi trái pháp luật mới bị xử phạt.
Một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ lấp "lỗ hổng" về cầm cố chứng minh nhân dân, căn cước công dân. Thực tế có nhiều giao dịch cầm cố kéo theo nhiều hệ lụy xã hội như tín dụng đen, rao bán thông tin cá nhân…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về đề xuất này. Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu quan điểm trên Báo Giao thông rằng: "Chứng minh nhân dân, căn cước công dân được xem như vật của chủ sở hữu, vì vậy được xem là một tài sản. Điều này đồng nghĩa chủ sở hữu có quyền cầm cố hoặc thế chấp để đảm bảo cho các giao dịch dân sự như hợp đồng vay tiền, do đó vẫn nên giữ nguyên quy định như hiện nay".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!