Một số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 toàn bộ bằng vốn đầu tư công và Bộ Giao thông Vận tải sẽ quản lý, đầu tư, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần.
Các đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ nguồn lực và khả năng huy động vốn thực hiện, bởi theo tính toán, dự án có 12 dự án thành phần với quy mô lên tới 147.000 tỷ đồng. Nhu cầu giải ngân đến 2025 là gần 120.000 tỷ đồng, trong đó có 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
"Phải tính toán rất kỹ để làm sao nguồn vốn này phải được giải ngân đúng với tiến độ và đúng với kế hoạch đặt ra chứ không chúng ta lại lệch mất đề án phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bởi 72.000 tỷ đồng này là của chương trình hỗ trợ tài khóa và tiền tệ hôm qua chúng ta vừa mới bàn, nguồn này rất lớn. Đây là sức ép không hề nhỏ, đặc biệt là với Bộ Giao thông Vận tải", ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh.
Thi công cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Phải làm rất kỹ để làm sao xác định được nguồn vốn thực phải bỏ ra để cân đối các nguồn cho phù hợp, tránh việc tổng dự toán không sát đến khi thực hiện mình không dự liệu được việc điều chỉnh các nguồn vốn", bà Nguyễn Thị Thanh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, nói.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Để đảm bảo tiến độ, một số đại biểu đề xuất phải có cơ chế đặc thù trong thực hiện các thủ tục đầu tư dự án; đồng thời sớm có phương án phù hợp để thu hồi vốn.
"Tôi đề nghị đối với các dự án tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, về mặt thủ tục, chúng ta cũng có những đặc thù, trong 12 dự án thành phần, 10/12 dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ, sẽ mất gần 2 năm để triển khai thủ tục. Cá nhân tôi nghĩ rằng nên áp dụng theo cơ chế phân cấp và điều này cũng cần thiết phải quy định trong Nghị quyết trình Quốc hội", bà Vũ Thị Lưu Mai, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu ý kiến.
"Về vấn đề thu hồi vốn, chúng ta đang tính đến nhượng quyền, nhưng báo cáo của Bộ Giao thông chúng ta chưa có kế hoạch để làm, chưa ban hành quy định về thu phí, vì vậy cũng đang để ngỏ cái này. Trong khi đó, vấn đề vốn là rất khó khăn, xem xét để thu hồi vốn cho nhà nước lại chưa được quan tâm đúng mức", ông Bùi Mạnh Khoa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhận định.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!