Xây dựng thị trường vốn minh bạch

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/04/2022 20:54 GMT+7

VTV.vn - Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư chân chính, có trách nhiệm trên thị trường vốn.

Các ngân hàng và công ty chứng khoán hiện là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu. Dòng tiền này thực sự đã hỗ trợ cho thị trường trái phiếu. Có thể thấy, các ngân hàng đang là định chế chính tạo lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường này.

Năm 2021, 373.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Riêng các ngân hàng đã đầu tư 274.000 tỷ đồng để mua trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, 73% lượng tiền trái phiếu doanh nghiệp đã được hấp thụ bởi các ngân hàng. Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 15/1 đã hãm bớt lượng tiền này đổ vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Xây dựng thị trường vốn minh bạch - Ảnh 1.

Các ngân hàng và công ty chứng khoán hiện là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Tính đến hết tháng 3, mới chỉ có 10 đợt phát hành trái phiếu với giá trị khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng dù là theo dài hạn, các thị trường đều tăng trưởng nhưng luôn luôn có những đợt điều chỉnh cần thiết. Những đợt điều chỉnh này thường gắn liền với những vấn đề sau đó được giải quyết để hướng tới thị trường minh bạch và hiệu quả hơn", ông Nguyễn Tùng Anh, chuyên viên cấp cao Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinGroup, cho biết.

Còn với vai trò là nhà phát hành, tính đến hết tháng 3/2022, các tổ chức tín dụng đã phát hành 427.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, các tổ chức tín dụng là nhà phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Các kênh ngân hàng, tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu cần vận hành đúng vai trò của mình để dẫn dắt những nguồn vốn này vào hoạt động thực của nền kinh tế một cách có hiệu quả nhất", ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Công ty Nghiên cứu Economica, nhận định.

Bởi vậy, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có điều kiện phát triển, các chính sách tới đây cần phải tạo lập được cơ chế giám sát dòng tiền, dòng vốn theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn, thay vì siết điều kiện phát hành toàn cục.

"Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường tính công khai và minh bạch nhằm tăng cường điều tiết thị trường và cải thiện tổng thể việc giám sát. Điều này thực sự giúp ích cho sự phát triển lâu dài của thị trường vốn, cải thiện việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nhỏ lẻ khác", bà Era Dabla Norris, Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đánh giá.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, thể chế chính sách phù hợp, hiệu quả, không quá chặt chẽ, không quá lỏng lẻo để bảo vệ nhà đầu tư chân chính, có trách nhiệm trên thị trường vốn.

Nhà đầu tư nước ngoài lạc quan với thị trường vốn Việt Nam Nhà đầu tư nước ngoài lạc quan với thị trường vốn Việt Nam

VTV.vn - Theo IMF, việc tăng cường tính công khai, minh bạch nhằm điều tiết thị trường của Chính phủ Việt Nam thực sự giúp ích cho sự phát triển lâu dài của thị trường vốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước