Xe điện giữ vững phong độ tại châu Âu

PV-Thứ sáu, ngày 24/05/2024 15:11 GMT+7

Số xe điện được đăng ký gia tăng

VTV.vn - Có 913.995 xe mới được đăng ký tại Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 4 năm nay, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe chạy xăng đang dần mất thị phần.

Xe chạy xăng dần mất thị phần

Theo số liệu mới được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) công bố, có 913.995 xe mới được đăng ký tại Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 4 năm nay, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe chạy xăng đang dần mất thị phần.

Sự tăng trưởng đáng kể trong số xe ô tô đăng ký mới được ghi nhận tại một số quốc gia như Romania, Đan Mạch, Ba Lan và Tây Ban Nha, dẫn đầu là Cyprus với mức tăng vọt 105,4%.

Các nhà sản xuất ghi nhận số xe đăng ký mới tăng mạnh có Honda (155,4%), Volvo (63,5%) và Toyota (47,3%). Tính theo số lượng, Tập đoàn Volkswagen, bao gồm các thương hiệu Skoda, Audi và Porsche, chiếm ưu thế với 254.019 xe được đăng ký, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nguồn năng lượng của xe, lượng đăng ký xe điện chạy pin tăng 14,8% lên 108.552 xe trong tháng 4, giữ vững thị phần ở mức khoảng 12% như cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Đức là nước có số lượng xe điện chạy pin đăng ký cao nhất EU (29.740 xe), dù con số này đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số xe điện được đăng ký nhìn chung gia tăng trong bối cảnh một số chuyên gia cảnh báo về sự chững lại trong nhu cầu đối với xe điện. Một số nhà sản xuất cho rằng sự hạ nhiệt này không chỉ do cơ sở hạ tầng sạc xe điện chưa đủ mà còn vì xe điện vẫn còn quá đắt đối với nhiều người tiêu dùng.

Vấn đề này sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi EU có động thái hạn chế các mẫu xe giá rẻ của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng các mặt hàng được trợ giá này đang tạo ra sân chơi bất bình đẳng cho các nhà sản xuất châu Âu.

Đáng chú ý, do nhu cầu không đạt kỳ vọng, Ford Europe đã đẩy lùi kế hoạch chỉ bán xe điện ở châu Âu từ năm 2030. Giám đốc điều hành (CEO) Martin Sander cho biết mục tiêu này khồng còn phù hợp vì doanh số bán xe điện "thấp hơn kỳ vọng".

Để giảm khí thải, EU đã ban hành luật vào năm ngoái, yêu cầu từ năm 2035, tất cả xe ô tô và xe tải mới được bán ở châu Âu phải là xe không phát thải. Các công ty không tuân thủ quy định này sẽ phải đối mặt với các án phạt nặng.

Xe điện giữ vững phong độ tại châu Âu - Ảnh 1.

EU sẽ áp thuế có mục tiêu vào xe điện của Trung Quốc

Căng thẳng giữa Trung Quốc và EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 21/5 cho biết EU sẽ áp thuế có mục tiêu vào xe điện của Trung Quốc nếu điều tra cho thấy các khoản hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc cho lĩnh vực này là trái quy định.

EU năm ngoái đã khiến Trung Quốc phản ứng mạnh sau khi tiến hành cuộc điều tra chống trợ giá nhằm vào xe điện của nước này, với khả năng gia tăng EU sẽ áp thuế đáp trả.

Đầu tháng này, Mỹ đã tăng mạnh thuế đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng bà von der Leyen khẳng định EU sẽ có cách tiếp cận khác. Bà nói có thể đảm bảo rằng mức thuế mà EU sẽ tương xứng với mức thiệt hại.

EC được cho là sẽ quyết định liệu có áp thuế tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc vào ngày 5/6 và thực thi từ ngày 4/7.

Một số nước EU lo ngại về một động thái như vậy.

Đức và Thụy Điển tuần trước bày tỏ sự e ngại trước khả năng EU đánh thuế, do tác động đến hoạt động thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và EU gia tăng khi EU đã khởi động một loạt các cuộc điều tra nhằm vào các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho tấm pin năng lượng Mặt Trời, tua bin và tàu hỏa.

Trong tháng trước, EU đã tiến hành điều tra hoạt động mua sắm công dịch vụ y tế của Trung Quốc, do lo ngại Trung Quốc ưu tiên các nhà cung cấp trong nước.

Trước đó, CEO của công ty sản xuất ô tô Pháp Renault Luca de Meo đã kêu gọi thực hiện "Kế hoạch Marshall" của châu Âu nhằm thúc đẩy phát triển xe điện và giảm lượng khí thải carbon trước sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Kế hoạch Marshall còn được gọi là "Chương trình Hỗ trợ châu Âu" (European Recovery Program), là một chương trình hỗ trợ kinh tế và tài chính của Mỹ dành cho các nước châu Âu sau Thế chiến II.

Ông Luca de Meo đã đưa ra một loạt đề xuất để khởi động một cuộc thảo luận chính sách trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024. Ông Luca de Meo cho hay kế hoạch Marshall của châu Âu có thể được áp dụng để đẩy nhanh quá trình đổi mới và giảm đáng kể lượng khí thải CO2.

Ông đã ví kế hoạch trên với kế hoạch phục hồi sau COVID-19 của EU, đồng thời cho biết một quỹ đặc biệt của châu Âu có thể hỗ trợ các ưu đãi cho việc mua xe điện mới hoặc đã qua sử dụng.

Châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035, như một phần trong nỗ lực đạt được trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, trước sự lấn át của xe điện từ Trung Quốc", ông Luca de Meo cho biết lĩnh vực ô tô châu Âu cần EU phát triển một chiến lược công nghiệp, giống như EU đã làm để khuyến khích sự phát triển của nhà sản xuất máy bay Airbus và như Trung Quốc đã làm đối với xe điện.

Đặc biệt, ông de Meo kêu gọi thành lập các "khu kinh tế xanh" giống như các đặc khu kinh tế của Trung Quốc, trong đó các công ty nhận được trợ cấp bổ sung và giảm thuế để khuyến khích sự phát triển nhanh chóng của xe điện. Ông cũng kêu gọi những nỗ lực hợp tác để chế tạo những phương tiện nhỏ và giá cả phải chăng ở châu Âu. Những chiếc xe nhỏ gọn có chi phí sản xuất rẻ hơn từ 20- 30%.

Bên cạnh đó, ông Luca de Meo cho hay cần phải nỗ lực giảm giá ô tô ở các thành phố nhỏ vì giá những chiếc xe nhỏ đã tăng hơn gấp hai lần trong 20 năm qua trong khi tiền lương tăng ít hơn nhiều, cũng như các biện pháp khuyến khích và tài chính để đảm bảo người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng xe điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước