Nếu vài năm trước, xe ô tô chạy bằng điện vẫn còn là một khái niệm khá là xa vời, thì nay nó được coi là một làn sóng mới trên thị trường ô tô tương lai.
Những cái tên đình đám như: Ford, liên danh Renault - Nissan - Mitsubishi, GM, Volkswagen, Tesla đã đổ hàng chục tỷ USD vào dự án phát triển xe ô tô điện.
Gần đây, ngay cả những tập đoàn vốn sản xuất điện thoại như: Xiaomi, Apple hay Huawei, tưởng như chẳng liên quan, cũng nhảy vào lĩnh vực phát triển xe ô tô điện.
Năm 2020 là một năm bước ngoặt của ô tô điện. Doanh số bán ra trên toàn cầu tăng gần 40% so với năm trước đó, tương đương 3,1 triệu chiếc xe. Theo hãng nghiên cứu Canalys, năm 2028, số xe điện bán ra toàn thế giới sẽ đạt mốc 30 triệu xe.
Audi Q2L - mẫu xe điện của hãng Audi. (Ảnh: Bloomberg)
Tuy nhiên để xe điện có thể bứt phá so với xe chạy xăng dầu không phải dễ, đầu tiên phải kể đến trạm sạc điện, không phải dễ để lắp đặt; sau đó là pin cho xe - không phải nước nào cũng có nhà máy sản xuất; và cuối cùng là giá tiền - không phải ai cũng có hàng chục nghìn USD để mua 1 chiếc Tesla (thuộc dòng rẻ nhất).
Chính những rào cản này khiến thế giới hiện nay chỉ có vài thị trường dẫn đầu cuộc đua xe điện. Tuy nhiên, Mỹ - quê hương của ông lớn xe điện Tesla - lại đang khá là chật vật trên đường đua này.
Tại sao xe điện vẫn chưa thể "bứt tốc" tại thị trường Mỹ?
Tại phố Wall, các hãng xe điện đang được xem là những cổ phiếu nóng, nhưng điều này cũng không thể che giấu thực tế lĩnh vực xe điện Mỹ đang bị tụt lại so với các thị trường lớn khác. Với lượng tiêu thụ khoảng hơn 300.0000 chiếc, Mỹ chỉ chiếm10% thị trường xe điện toàn cầu, bằng 1/4 quy mô của Trung Quốc hay EU.
Nhìn từ bên trong, xe điện cũng mới chiếm 3% lượng xe bán ra ở Mỹ và thị trường cũng không có nhiều sự cạnh tranh khi Tesla vẫn chiếm thế độc tôn về doanh số.
Có nhiều lý do khiến xe điện vẫn chưa thể nhấn ga bứt tốc tại thị trường Mỹ, chẳng hạn như việc người tiêu dùng ưa chuộng những mẫu xe truyền thống, hữu dụng cho cả gia đình với kích thước lớn hơn là xe điện cỡ nhỏ và cả pin sạc cũng là một vấn đề, khi nguồn cung pin nội địa của Mỹ chưa dồi dào.
"Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Điều gì sẽ xảy ra nếu như chiến tranh thương mại bùng phát và Mỹ phụ thuộc vào pin xe điện của Trung Quốc? Trung Quốc có thể cắt giảm xuất khẩu và đẩy ngành xe điện Mỹ vào khủng hoảng", ông Michael Dunne, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Zozo Go, nhận định.
Lĩnh vực xe điện Mỹ đang bị tụt lại so với các thị trường lớn khác. (Ảnh: AP)
Dù vậy, chính phủ của Tổng thống Joe Biden mới đây đã cam kết đầu tư mạnh mẽ hơn để thúc đẩy các lĩnh vực thân thiện với môi trường, trong đó có sản xuất xe điện.
"Chúng tôi sẽ thay thế hoàn toàn đội xe khổng lồ của chính phủ hiện nay bằng những chiếc xe năng lượng sạch được sản xuất ngay tại Mỹ, tạo thêm việc làm cho hàng triệu công nhân Mỹ", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Tuy nhiên Chính phủ Mỹ sẽ cần những đầu tư mạnh tay, như tiếp tục trợ cấp cho người mua xe, cũng như mở rộng và chuẩn hóa hệ thống trạm sạc trên toàn quốc. Càng chậm chân, Mỹ sẽ càng khó để bắt kịp với những bước tiến của các đối thủ trong lĩnh vực nhiều triển vọng này.
Mỹ vẫn là thị trường chủ lực về doanh số của hãng xe điện Tesla, nhưng năm 2020 đã ghi nhận màn rượt đuổi sát nút từ thị trường Trung Quốc, khi lượng xe Tesla bán ra tại Trung Quốc đã chiếm tới hơn 1/5 tổng doanh số xe toàn cầu.
Tuy nhiên, khi nổ máy tiến vào Trung Quốc, họ sẽ nhận ra đường đua đang bị tắc, vì chỉ riêng thị trường nội địa Trung Quốc đã có tới hơn 400 nhãn hiệu xe ô tô điện đang cạnh tranh nhau. Xiaopeng, Nio, là những cái tên nội đang "kèn cựa" với Tesla tại Trung Quốc.
Để có một thị trường xe điện nở rộ, phát triển mạnh mẽ, chính phủ và người tiêu dùng Trung Quốc đã có những thay đổi rất mạnh mẽ.
Chiến lược phát triển xe ô tô điện của Trung Quốc
Trung Quốc đã chi ra khoảng 60 tỷ USD tiền trợ cấp; 500.000 trạm sạc điện, gấp 5 lần số trạm sạc của Mỹ. Trung Quốc đặt kỳ vọng cứ 4 xe chạy trên đường phố vào năm 2025 thì có 1 xe là chạy năng lượng mới.
Sau năm 2009, cùng với hàng loạt các chính sách hỗ trợ từ nhà nước như: miễn phí trước bạ, hoàn tiền, giảm thuế cho doanh nghiệp, ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới của Trung Quốc chính thức bước vào giai đoạn phát triển như vũ bão.
Không chỉ từ phía chính phủ, mà theo các chuyên gia, chính người tiêu dùng Trung Quốc đang có thay đổi đáng kể về nhận thức.
"Tôi cho rằng, năm 2020 vừa qua, thị trường xe điện hay xe hybrid tại Trung Quốc đã thay đổi diện mạo hoàn toàn với sự xuất hiện của Tesla cùng các hãng xe nội như Xpeng hay Nio. Khảo sát cho thấy, lần đầu tiên người tiêu dùng Trung Quốc không còn quan tâm tới trợ giá khi mua xe mà chú trọng hơn vào mẫu mã và quãng đường trên một lần sạc", ông Michael Dunne, CEO Công ty xe điện ZoZo Go, chia sẻ.
Thậm chí năm 2018, giới chức Trung Quốc đã gửi đến các nhà sản xuất ô tô một tối hậu thư, yêu cầu đáp ứng quy định tối thiểu 10 - 12% về sản xuất xe năng lượng mới trong giai đoạn 2019 - 2020.
Xpeng G3 - chiếc SUV điện 5 chỗ ngồi của startup ô tô Trung Quốc Xpeng. (Ảnh: Bloomberg)
Dù vậy, nhân tố gây bất ngờ trong năm 2020 lại là thị trường châu Âu. Nửa đầu năm 2020, xe chạy điện đột ngột tăng trưởng mạnh trong một thị trường xe hơi vẫn đang lao dốc kể từ khi đại dịch bùng phát. Người tiêu dùng đã bớt do dự hơn, vì xe hơi chạy điện nay đã có thể chạy xa hơn giữa hai lần sạc, số lượng trạm sạc tại châu Âu cũng ngày càng nhiều. Nhiều chính phủ còn hỗ trợ người mua xe điện thêm tiền từ quỹ bảo vệ môi trường, khiến giá mua xe thực tế giảm xuống.
Xe hơi chạy điện tăng trưởng mạnh tại thị trường châu Âu
Mua xe chạy điện đang có lợi hơn khá nhiều so với xe chạy xăng, giá mua ban đầu cao, nhưng tính về lâu dài lại có lợi. Công nghệ đã tiến tới mức xe điện không còn khác biệt nhiều so với xe xăng về công suất và độ bền chắc của thân xe. Động cơ điện lại không cần bảo dưỡng phức tạp như động cơ đốt trong. Những chiếc xe hiện đại còn có những tiện ích không tưởng, do được kết nối liên tục với mạng Internet.
"Xe hơi chạy điện tốt cho môi trường, chi phí sử dụng lại thấp. Tôi thấy rất thích khi có một chiếc xe hơi công nghệ cao như thế này", ông Sin Yang Ming bày tỏ.
Trước đây, người mua xe còn ngại ngần rằng xe chạy điện không thể đi quá xa giữa 2 lần sạc và có quá ít trạm sạc. Thế nhưng nay xe điện đã tự tin leo lên đường cao tốc, chạy liên tục 300 - 400km.
"Bây giờ đã có rất nhiều trạm sạc siêu nhanh, công suất lớn. Tôi vừa cắm sạc có khoảng 10 phút thôi, mà pin đã đủ để chạy ít nhất 150 - 200km", ông Sin Yang Ming cho biết.
Đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào thị trường xe hơi châu Âu. Số lượng xe mới bán ra trong 6 tháng đầu năm giảm tới 1/3, nhưng xe chạy điện lại tăng trưởng rất tốt.
Chính sách của nhiều nước châu Âu vẫn là tăng thuế đánh vào xe chạy xăng để có tiền tài trợ cho xe chạy điện, một cách để giảm ô nhiễm và cũng là để hỗ trợ ngành sản xuất xe hơi. Chính phủ Đức tặng 6.000 Euro, Pháp tặng 7.000 Euro cho bất cứ ai muốn đổi sang xe hơi chạy điện, vì Đức và Pháp đều sản xuất ô tô. Vương quốc Bỉ không có hãng xe hơi nào, chỉ khuyến khích người mua xe hơi chạy điện bằng cách miễn thuế trước bạ và miễn thuế lưu hành xe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!