Xót xa nông sản mùa dịch: Bí đổ bỏ cho bò, xoài Úc rẻ như cho không ai mua

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 08/06/2021 20:17 GMT+7

VTV.vn - Trước diễn biến của dịch bệnh, nhà hàng, trường học, bếp ăn phải đóng cửa khiến nông sản mất đầu ra. Ở nhiều nơi, xoài, dưa hấu... phải chờ trên đồng mà không ai mua.

Những ngày đầu tháng 6 là mùa thu hoạch rộ của hàng loạt mặt hàng nông sản từ Bắc chí Nam. Hàng trăm nghìn tấn rau quả đang cần được tiêu thụ.

Trước đây, khi bàn về vấn đề tiêu thụ nông sản, người ta thường hay nhắc đến 2 yếu tố là mùa vụ và giá cả, nhưng trong những ngày này, một yếu tố thứ 3 đã xuất hiện, đó là dịch bệnh. Dịch COVID-19 đang làm thay đổi các phương thức sản xuất và giao dịch truyền thống, khiến người dân cũng như doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.

Nhìn tổng quan, trong 3 tháng tới đây, toàn miền Bắc sẽ có 3 loại cây ăn quả chủ lực thu hoạch rộ là: vải 340.000 tấn, nhãn 300.000 tấn, xoài hơn 100.000 tấn. Ngoài ra, còn nhiều loại quả khác cũng cần tiêu thụ như: bưởi, cam, dứa và đặc biệt chuối là hơn 1 triệu tấn.

Xót xa nông sản mùa dịch: Bí đổ bỏ cho bò, xoài Úc rẻ như cho không ai mua - Ảnh 1.

Những ngày đầu tháng 6 là mùa thu hoạch rộ của hàng loạt mặt hàng nông sản từ Bắc chí Nam.

Còn ở Miền Nam, hàng chục loại cây ăn quả chủ lực khác cũng đang hoặc sắp vào vụ thu hoạch là: thanh long, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, na, mít, bơ, chanh leo…

Từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần được tìm đầu ra.

Do dịch bệnh, nhà hàng, trường học, bếp ăn tập thể phải đóng cửa khiến nông sản mất đầu ra. Giao thông đình trệ, giá cước vận tải tăng cao, kiểm soát an toàn dịch bệnh ngặt nghèo hơn khiến việc vận chuyển cũng trở nên khó khăn. Ở nhiều nơi, xoài, dưa hấu, khoai lang phải chờ trên đồng mà không có người mua.

Nhiều mặt hàng nông sản khó tiêu thụ

Tại cánh đồng dưa hấu của xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, dưa đã chín nhưng không ai, người trồng mua đành để thối.

Chịu chung số phận không có thương lái đến thu mua, anh Thành chết lặng trước cánh đồng bí ngô là sinh kế duy nhất của cả gia đình.

Hàng trăm tấn bí đỏ của Phú Yên vào vụ thu hoạch, nhưng cũng không có người đến thu mua. Anh Minh (Phú Yên) đành thái bí cho bò ăn.

Xót xa nông sản mùa dịch: Bí đổ bỏ cho bò, xoài Úc rẻ như cho không ai mua - Ảnh 2.

Hàng trăm tấn bí đỏ của Phú Yên vào vụ thu hoạch nhưng không có người đến thu mua.

Bán 100 cân khoai mới đủ tiền mua 1 bát phở, chuyện chưa từng xảy ra với những hộ trồng khoai Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nay đã thành hiện thực. 800 ha đang vào thu hoạch rộ trong khi toàn vùng có tới hơn 4.000 ha vẫn chưa biết xoay sở thế nào về đầu ra, giá rớt thê thảm, nhà nào cũng lỗ vài trăm triệu.

Trong khi đó, người dân trồng xoài Úc ở Cam Lâm, Khánh Hòa lại đang chao đảo vì một cơn “địa chấn” về giá. Xoài loại 1 giá giảm 5 lần từ 40.000 xuống còn 8.000 đồng/kg, còn loại 2 chỉ 2.000 đồng, rẻ như cho nhưng cũng không ai mua.

"Cắt xuống rất là rẻ, không đủ tiền công cắt, họ chấp nhận bỏ lại, để trên cây bởi hái xuống không đủ tiền công", chị Cao Thị Thanh Điểm, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, chia sẻ.

Xót xa nông sản mùa dịch: Bí đổ bỏ cho bò, xoài Úc rẻ như cho không ai mua - Ảnh 3.

Bán 100 cân khoai mới đủ tiền mua 1 bát phở, chuyện chưa từng xảy ra với những hộ trồng khoai Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nay đã thành hiện thực.

Không ai có thể ngờ giữa thành phố ngàn hoa Đà Lạt, nơi hoa là biểu tượng được nâng niu, nay lại rơi vào cảnh đổ bỏ như mớ rau ngoài chợ. Tại nhiều vùng trồng hoa, tình cảnh cũng không khá khẩm hơn. Hoa vẫn đẹp nhưng lòng người thì xót xa.

Cả năm trời mài mặt dưới đất, lưng hứng nắng mưa, cuối cùng khi cây ra quả, bán không ai mua, nếu mua thì mua với giá rẻ.

Các bộ ngành, địa phương vào cuộc gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

Trước tình trạng này, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã vào cuộc với quyết tâm không để đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng, làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, tới cuộc sống của người dân, nhất là không để sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng.

Ngay từ giữa tháng 5, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến quốc tế với 31 đầu cầu của 10 quốc gia.

Đặc biệt, lần đầu tiên Hội nghị có sự tham gia của 21 thương vụ và các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các nước và 200 nhà nhập khẩu. Thương mại điện tử được xem là một giải pháp trọng tâm trong tiêu thụ nông sản.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các địa phương không "ngăn sông, cấm chợ" đối với các phương tiện của các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh lưu thông khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định.

"Chúng tôi đã có văn bản gửi các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi để những xe hàng hóa chở trái vải đi lên các cửa khẩu; đồng thời chúng tôi đã giao thiệp trực tiếp với Đại sứ quán của các nước có chung biên giới để có thể đưa trái vải sang các thị trường", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bên cạnh thúc đẩy bán sản phẩm tươi, chế biến sâu nông sản vẫn được coi là giải pháp lâu dài, gia tăng giá trị. Lúc này, khi nhiều nông sản đang vào cao điểm thu hoạch, các nhà máy cũng tăng tốc vừa tăng sản lượng trữ vào kho, vừa chế biến ngay để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Tăng tốc chế biến nông sản

Phòng dịch nghiêm ngặt để đảm bảo sản xuất là nhiệm vụ sống còn của bất cứ nhà máy chế biến nông sản nào thời điểm này. Một ngày công nhân sẽ phải kiểm tra sức khỏe 3 lần. 500 công nhân được chia thành nhiều ca, duy trì hoạt động 24/24 giờ.

Xót xa nông sản mùa dịch: Bí đổ bỏ cho bò, xoài Úc rẻ như cho không ai mua - Ảnh 4.

Hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Sau 10 tiếng vận chuyển, những trái xoài của Sơn La đã có mặt tại nhà máy. Đây là năm thứ 2 quả xoài Sơn La được đưa vào chế biến thành các sản phẩm như: xoài đông lạnh, xoài pure xuất khẩu sang châu Âu. Công nghệ chế biến năm nay đã có những thay đổi khi doanh nghiệp đầu tư để nâng công suất.

"Công nghệ này chúng tôi nhập từ Italy. Một ngày, 2 máy này có thể gọt trung bình 40 - 50 tấn xoài và 60 tấn dứa", anh Trịnh Văn Dương, phụ trách kỹ thuật nhà máy, cho biết.

Tăng tốc chế biến không chỉ do COVID-19, mà còn do đơn hàng nhà máy đã ký với đối tác từ cuối năm 2020. Hiện sản phẩm xoài gọt vỏ, cắt miếng, sau đó cấp đông đang xuất khẩu rất tốt tại thị trường châu Âu. Do có thể giữ sản phẩm được từ 1 - 2 năm nên doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về giá và giao hàng.

Hiện nay, khi vải bước vào vụ thu hoạch chính vụ, sản lượng chế biến của nhà máy có ngày lên tới 250 tấn. Những quả vải tươi tính từ khi cắt xuống, chở về nhà máy và chế biến để đảm bảo chất lượng chỉ gói gọn trong vòng 10 tiếng.

Từ nguyên liệu vải tươi sẽ tạo ra 5 sản phẩm là vải nguyên cùi đông lạnh, vải nguyên quả đông lạnh, vải đóng hộp , vải pure, vải cô đặc. Những sản phẩm chế biến này luôn được khách hàng đón nhận.

Năm nay, nhà máy của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Ninh Bình đặt mục tiêu chế biến khoảng 5.000 tấn vải và hàng nghìn tấn nông sản khác.

Hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ. Sự tăng tốc của mỗi nhà máy, cơ sở chế biến thời điểm này không chỉ giúp tiêu thụ nông sản mùa vụ, mà còn là cơ sở để Việt Nam đón được những cơ hội thị trường hậu COVID-19.

Tiêu thụ nông sản gặp vướng do phòng dịch quá mức cần thiết Tiêu thụ nông sản gặp vướng do phòng dịch quá mức cần thiết

VTV.vn - Hiện hàng trăm nghìn tấn nông sản đang vào mùa thu hoạch, đòi hỏi các Bộ, ngành cùng vào cuộc để tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước