Ghi nhận tại một trang trại nuôi heo tại Đồng Nai, với 2000 con heo thịt, mỗi ngày trang trại phải xử lý 2 tấn chất thải. Lượng chất thải hiện được xử lý làm khí Biogas để phát điện, dùng cho các hoạt động của trang trại. Tuy nhiên, sau khi từ hầm Bioga ra ngoài hồ chứa, nước vẫn chưa đủ tiêu chuẩn xả ra môi trường.
Tại huyện Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai, không khó để bắt gặp những con suối đen ngòm và bốc mùi hôi thối vì chất thải chăn nuôi. Không chỉ nước thải, hiện chất thải rắn từ các trại heo tại Đồng Nai lên tới 150 tấn mỗi ngày. Thực tế, không có hồ chứa hay vườn cây nào có thể xử lý hết được lượng chất thải trên.
Xử lý chất thải chăn nuôi đang là một thách thức với người chăn nuôi Việt Nam
Hiện giải pháp của người chăn nuôi là bán chất thải nuôi heo cho các hộ trồng cà phê, trồng chè ở vùng khác để làm phân bón cho cây. Tuy nhiên, khi tới mùa mưa, lượng tiêu thụ giảm đi thì nguy cơ ùn ứ sẽ rất là cao.
Để xử lý lượng chất thải chăn nuôi lớn giải pháp lâu dài là lập các nhà máy xử lý phân sinh học, nhưng hiện tại ở Đồng Nai vẫn chưa có đơn vị đầu tư. Giải pháp trước mắt được một số hộ chăn nuôi lớn tại Đồng Nai đang thử áp dụng là nuôi heo trên sàn, giúp hạn chế được 90% lượng nước thải ra môi trường.
Tuy nhiên theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì giải pháp làm trại sàn, trại lạnh mới chỉ hạn chế nguồn nước thải, còn xử lý chất thải rắn thì vẫn cần có một giải pháp khác.
Hiện cả nước hiện có trên 27 triệu con heo thịt, thuộc Top đầu thế giới về sản lượng song nếu không có giải pháp hữu hiệu cho tiêu chí xử lý chất thải theo tiêu chuẩn Hiệp định TPP trong chăn nuôi, thì nguy cơ sản phẩm từ heo quanh quẩn trên sân nhà là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!