Xử lý dự án “treo” vẫn dậm chân tại chỗ

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/06/2021 12:30 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội có gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai; lúa gạo Việt gặp khó do Philippines có động thái hạn chế mua gạo Việt Nam là những thông tin đáng chú ý trên các báo.

Tính đến hết tháng 4 vừa qua, Hà Nội vẫn có gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai, con số gần như không thay đổi so với thời điểm năm 2018.

Điểm chung của tất cả các dự án bỏ hoang trên là kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính, dẫn đến chủ đầu tư cũng kéo dài thời gian làm thủ tục khiến cơ quan chức năng khó xử lý.

Tờ Diễn đàn doanh nghiệp dẫn lời PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Thành viên Ban Pháp chế (Hiệp hội BĐS Việt Nam), cho rằng phương pháp hữu hiệu nhất là kiên quyết thu hồi, không phê duyệt điều chỉnh theo nguyện vọng của chủ đầu tư.

Xử lý dự án “treo” vẫn dậm chân tại chỗ - Ảnh 1.

Điểm chung của tất cả các dự án bỏ hoang là kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cũng cần bổ sung chế tài đối với hành vi: "Nếu gây thiệt hại cho người dân khi dự án chậm triển khai xây dựng thì phải bồi thường cho người sử dụng đất".

Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, đối với chủ đầu tư om đất nên có chế tài xử phạt thật nặng, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án.

Ngưng chợ tự phát, người mua "dồn" sang siêu thị online

Sau khi TP Hồ Chí Minh ra chỉ thị ngưng hoạt động các chợ tự phát từ 20/6, lượng lớn người tiêu dùng nhanh chóng chuyển sang mua sắm tại siêu thị và trên các ứng dụng online của siêu thị.

Ví dụ như hệ thống Saigon Co.op, lượng khách tăng khoảng 20 - 30% tùy quận so với trước đó. Còn tại Vincommerce, sức mua hàng online cũng tăng mạnh trên toàn hệ thống, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh. Dịch vụ đi chợ hộ tăng hơn 100%, đặt hàng qua App VinID tăng đến hơn 500%...

Trao đổi với VnExpress, để đáp ứng đủ nhu cầu của khách mua hàng, hầu hết siêu thị cho biết đều tăng lượng hàng dự trữ, đồng thời tăng cường nhân viên để giám sát hàng hóa. Tại hệ thống siêu thị của Central Retail, nhà cung cấp đã chủ động tăng 50 - 60% lượng hàng trong những ngày qua và thời gian tới.

Thị trường Philippines khựng lại, lúa gạo Việt Nam gặp khó

Philippines vốn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam, nhưng lại đang có những động thái hạn chế mua gạo Việt Nam. Điều này có những tác động đáng kể lên thị trường lúa gạo nội địa.

Xử lý dự án “treo” vẫn dậm chân tại chỗ - Ảnh 2.

Giá gạo Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khiến xuất khẩu bị tác động không nhỏ. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, công ty hiện còn hơn 100 container gạo lẽ ra đã giao cho đối tác Philippines, nhưng do việc tiêu thụ khó khăn nên đối tác nhập khẩu phải lùi thời gian nhận hàng.

Mặt khác, giá gạo Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh cũng chính là lý do khiến xuất khẩu bị tác động không nhỏ. Từ đầu năm, giá gạo Việt Nam cao hơn Ấn Độ khoảng 100 USD/tấn và cao hơn Thái Lan từ 15 - 20 USD/tấn.

Xuất khẩu khó, hàng tồn kho của các doanh nghiệp còn nhiều nên không thể tiếp tục mua vào lúa, gạo nội địa, khiến cho mặt hàng này rớt giá mạnh trong tháng qua.

Cần xử lý dứt điểm 379 dự án treo tại Hà Nội Cần xử lý dứt điểm 379 dự án treo tại Hà Nội

VTV.vn - Gần 400 dự án "treo" chậm tiến độ, trong đó rất nhiều dự án gián đoạn tới 20 năm, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân trong khu vực dự án.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước