Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về tài chính, tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC). Trong khi đó, các dự án càng kéo dài lại càng phát sinh thêm những khó khăn mới. Chính vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục rà soát và phân nhóm để xử lý. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan này sẽ đề xuất các phương án đặc thù nhưng giải pháp trực tiếp vẫn phải từ chính các doanh nghiệp.
Nhà máy cán thép có công suất 500.000 tấn/năm là một phần thuộc dự án mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy gang thép Thái Nguyên. Theo thiết kế ban đầu, tất cả khí nóng, than cốc, phôi nóng sẽ được đưa ngay vào cán thép để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, do dự án chưa hoàn thành nên nhà máy không thể sản xuất theo chuỗi khiến chi phí tăng.
Theo ban quản lý dự án, giai đoạn 2 mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên mới đã đạt 60% khối lượng ở phần xây dựng. Thiết bị, máy móc phần lớn đã được chuyển về, nhưng dự án dừng nên chưa được lắp đặt.
Giai đoạn 2 mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên mới đã đạt 60% khối lượng ở phần xây dựng.
"Thiết bị đã được chuyển về từ năm 2010, nếu càng để lâu thì càng xuống cấp, hư hỏng", ông Vũ Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, cho hay.
Cho đến thời điểm này, mới chỉ có 3 dự án được ra khỏi diện theo dõi và bắt đầu làm ăn có lãi. Hiện vẫn còn 5 dự án do tranh chấp hợp đồng EPC nên chưa được giải quyết. Các dự án còn lại tuy đã bắt đầu hoạt động, nhưng lỗ lũy kế vẫn còn tương đối lớn.
Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, những thuận lợi từ đầu vào và thị trường cách đây 10 năm khi triển khai các dự án đã không còn.
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong năm nay sẽ tập trung vào nhóm các dự án có thị trường đang tốt để cơ cấu lại. Những dự án khác có thể xem xét thoái vốn. Còn các trường hợp, hợp đồng EPC không xử lý được, tranh chấp sẽ đưa ra trọng tài kinh tế hoặc những tòa án quốc tế phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!