Tăng cường kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O cho 8 nhóm hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ như gỗ, hàng dệt may, da giày cho đến máy tính, hàng điện tử, nhôm, sắt thép và nhựa...; sẽ giám sát chặt chẽ các hàng hóa mang nhãn mác Made in Việt Nam, nhưng không phải sản xuất tại Việt Nam... đây là một số nội dung được Bộ Công Thương họp nhằm triển khai đề án tăng cường quản lý nhà nước vè chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đề án vừa được Chính phủ ban hành trong tuần trước.
Trước thực trạng nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sau đó cắt đổi nhãn mác hoặc trà trộn với hàng sẵn có trong nước để tiêu thụ ở thị trường nội địa, theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đây là hành vi gian lận kiểu mới tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Không chỉ hàng hóa tiêu thụ trong nước, hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài cũng đang bị lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP. Theo Bộ Công Thương, một phần là do cơ chế doanh nghiệp có quyền tự ghi chứng nhận xuất xứ.
Theo thống kê từ Vụ thị trường Âu Mỹ, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 30%. Giá trị tăng là đáng mừng nhưng cần rà soát, kiểm tra xem có hành vi lẩn tránh xuất xứ của các DN hay không, bởi hiện chế tài xử phạt hành vi sử dụng giả C/O chỉ bị phạt tối đa 50 triệu đồng là quá nhẹ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã lên danh sách các mặt hàng cần giám sát kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, siết chặt cấp C/O chống gian lận thương mại, trong đó có 16 sản phẩm đi châu Âu và 18 sản phẩm đi Mỹ. Tuy nhiên, để xử lý triệt để các hành vi gian lận xuất xứ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý.
Tại cuộc họp mới đây, Cục Phòng vệ Thương mại đã đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trước mắt là tập trung vào các hàng hóa có nguy cơ gian lận xuất xứ cao như gỗ, dệt may, giày dép, thủy sản, thép, nhôm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!