Xuất khẩu cà phê có thể mang về 6 tỷ USD

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/08/2024 14:51 GMT+7

VTV.vn - Dự báo năm nay xuất khẩu cà phê có khả năng sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.

Cà phê tăng giá, giảm sản lượng

Những ngày gần đây, giá cà phê tại thị trường trong nước tăng nhẹ, mức tăng dao động 200-400 đồng/kg, cao nhất 120.000 đồng/kg. Tại Việt Nam, sản lượng cà phê vụ 2024-2025 dự kiến giảm sâu do tình trạng khô hạn và sâu bệnh về mức thấp nhất 13 năm trong khi nguồn cung vụ mới cạn kiệt, khiến hoạt động xuất khẩu trở nên trầm lắng.

Theo thống kê, lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu trong kỳ đầu tháng 8 giảm 7,5% xuống mức gần 37.000 tấn, nhưng kim ngạch lại tăng hơn 67%, lên mức 195 triệu USD. Bên cạnh nguồn cung thiếu hụt, thời tiết bất lợi trở thành nguyên nhân chính đẩy giá cà phê tiến sát 5.000 USD/tấn và xác lập mức giá kỷ lục mới.

Gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê vùng Tây Nguyên

Niên vụ 2023-2024, tình trạng khô hạn và sâu bệnh đã khiến sản lượng cà phê Tây Nguyên, vùng trồng trọng điểm của cả nước giảm 20% so với niên vụ trước. Tuy mất mùa, giảm sản lượng song giá cà phê tăng cao nên cả người nông dân, doanh nghiệp, cũng như ngành hàng cà phê phấn khởi thu về giá trị vượt trội. 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 964.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,54 tỉ USD, tăng gần 31%. Dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt con số trên 5 tỷ USD.

Trong bối cảnh ngành hàng cà phê đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, nhiều doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đã chủ động tăng cường liên kết với nông dân vùng nguyên liệu tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó giúp gia tăng xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.

Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp, Gia Lai cho biết: "Tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam trong cùng kỳ năm ngoái giảm gần 20%, nhưng giá trị gia tăng gần 42%. Chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang các cây khác quá lớn nên tạo ra sự thâm hụt sản lượng quá lớn. Hiện nay, Trung Quốc và các nước Đông Âu, Bắc Âu hầu như họ đang phát triển về cà phê và tiêu dùng cà phê mạnh, tăng trưởng cà phê hàng năm trên dưới 3%".

Xuất khẩu cà phê có thể mang về 6 tỷ USD - Ảnh 1.

Dự báo năm nay xuất khẩu cà phê có khả năng sẽ vượt trên 5 tỷ USD

Giá cà phê tăng cao trên thị trường, dao động trong khoảng 100.000 đến 120.000 đồng/kg đem lại kinh tế ổn định cho nông dân vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương, khi cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực, chiếm tỷ trọng từ 50% đến 70% kim ngạch xuất khẩu các tỉnh Tây Nguyên.

Bà Y Hằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum nhận định: "Nhờ xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, cơ hội sản phẩm cà phê được đi nhiều nước trên thế giới, quan trọng là tăng thu nhập, tăng giá trị gia tăng và người nông dân tăng thu nhập thêm khoảng 20%".

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: "Khi doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, phối hợp với nông dân thông qua HTX, sản xuất mặt hàng cà phê đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường. Chúng ta mã hóa, số hóa, công khai minh bạch, thì sẽ phát triển ngành hàng cà phê bền vững".

Dự báo năm nay xuất khẩu cà phê có khả năng sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi đôi với thách thức. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích có chứng nhận quốc tế, gắn với đó là các chuỗi liên kết ngày càng bền chặt, để gia tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản chủ lực của quốc gia.

Nông dân tuân thủ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn

Tại các vùng trồng cà phê trọng điểm, tuy giảm về sản lượng, nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, chất lượng cà phê lại có sự cải thiện đáng kể. Đó nhờ những nỗ lực lớn của bà con nông dân tham gia các chuỗi sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.

Mặc dù chịu tác động của biến đổi khí hậu, năng suất, sản lượng cà phê giảm, song nhờ chủ động triển khai các giải pháp chăm sóc, bón phân hợp lý nên vườn cà phê của gia đình ông Ba vẫn duy trì ổn định, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng để cung cấp cho HTX mà ông tham gia liên kết.

Ông Nguyễn Thanh Ba - Thôn 2, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum chia sẻ: "Tổ hợp tác hướng dẫn rất tận tình, hướng dẫn kỹ thuật phân bón, bao tiêu sản phẩm nhiệt tình, chu đáo".

Toàn vùng Tây Nguyên có diện tích trên 600.000 ha cà phê. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các địa phương đang tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân tái canh cà phê già cỗi, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, theo hướng xanh, bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, 50% diện tích cà phê toàn vùng sản xuất có trách nhiệm, gắn với truy xuất nguồn gốc; 80% sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đưa ra nhận định: "Đối với diện tích cà phê còn lại, chúng ta phải tái canh để tìm ra những giống mới cũng như tái canh để tăng năng suất cây trồng. Ngành cà phê Việt Nam phải có thay đổi kể cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu đều theo hướng phát triển xanh".

Các tỉnh Tây Nguyên cũng xác định, không mở rộng diện tích cà phê, mà tập trung nâng cao chất lượng, thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, triển khai các giải pháp đảm bảo sự bền vững cho chuỗi cung ứng cà phê trên địa bàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước