Hai năm trước, tỷ trọng của đồng USD và Euro trong các giao dịch thanh toán quốc tế của Nga chiếm đến 90% thì nay chỉ còn là phần nhỏ.
Theo tờ Kommersant, xuất khẩu của Nga hiện không phụ thuộc vào đồng USD và Euro. Tỷ trọng của đồng ruble ở mức 40%, hầu như không thay đổi. Nhưng đồng tiền của các quốc gia được gọi là thân thiện, đặc biệt là Nhân dân tệ, Rupee và Dirham, chiếm hơn 42%. Hiện thanh toán bằng USD và Euro được sử dụng trong thương mại với các quốc gia Nam và Trung Mỹ.
Chuyên trang tài chính RBK cho biết, giá khí đốt của Nga đối với EU được tính bằng Euro, nhưng việc thanh toán được thực hiện thông qua chuyển đổi tự động thành Ruble. Do đó, số liệu thống kê của Ngân hàng Nga, đồng tiền thanh toán được biểu thị là đồng Ruble. Tình hình tương tự cũng xảy ra với các quốc gia trung lập sẵn sàng sử dụng đồng ruble hoặc tiền tệ của nước thứ ba làm phương tiện thanh toán.
Nga đã tích cực thay thế đồng USD và đồng Euro trong ngoại thương để né các lệnh trừng phạt, nhưng lúc này cũng đang phải đương đầu với những trở ngại từ các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Theo tờ Tin tức Izvestia, một số ngân hàng địa phương của Trung Quốc bắt đầu từ chối thanh toán với Nga từ tháng 7. Tình hình cũng khó khăn hơn trong 3 tuần qua vì các công ty tài chính quy mô nhỏ của Trung Quốc vẫn đang xử lý các khoản thanh toán của Nga từ tháng 5 và tháng 6.
Trước đó, một số trang thông tin cho biết, khoảng 80% giao dịch chuyển khoản ngân hàng được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được hoàn lại sau khi "đứng im" trong nhiều tuần.
Giới chuyên gia nhận định, sự chậm trễ và từ chối thanh toán cho thấy đối với hệ thống tài chính Trung Quốc, rủi ro của các lệnh trừng phạt thứ cấp là cao và việc sử dụng đồng Nhân dân tệ cũng không thể được coi là sự đảm bảo cho các khoản thanh toán thông thường.
Các doanh nghiệp Nga hiện vẫn có những lựa chọn như thực hiện giao dịch thông qua quốc gia thứ 3 thân thiện. Nga đồng thời cũng đang gấp rút thiết lập các hệ thống thanh toán thay thế, bao gồm cả tiền số để tạo sự thuận lợi cho hoạt động thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!