Đơn cử như năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt giá trị hơn 3,6 tỷ USD. Sang năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm còn gần 3,1 tỷ USD. Nhưng tăng trở lại 3,6 tỷ USD vào năm ngoái. Còn năm nay, ngành điều đang kỳ vọng con số kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Khó khăn kép trong ngành hàng xuất khẩu
Mặc dù điều là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD nhưng kết quả này lại không song hành với lợi nhuận do chi phí sản xuất tăng cao. Doanh nghiệp luôn đối mặt mối lo thiếu nguyên liệu, giá nguyên liệu biến động mạnh. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn có thể vi phạm pháp luật bởi những bất cập trong quy định nhập khẩu và thương mại hàng hóa.
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu là thách thức lớn của ngành điều. Để có vị trí số 1 về xuất khẩu điều nhân, Việt Nam phải nhập khoảng 90% hạt điều thô, trong đó phần lớn đến từ các nước châu Phi. Từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu điều thô nhập khẩu tăng đã khiến chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp điều đội lên khoảng 20%.
Mặc dù điều là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD nhưng kết quả này lại không song hành với lợi nhuận do chi phí sản xuất tăng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bên cạnh đó, theo Nghị định 15 quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm, các nước châu Phi không thuộc danh mục quốc gia, vùng lãnh thổ được xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Do đó doanh nghiệp không thể bán điều nhân gốc châu Phi ở trong nước nếu xuất khẩu gặp khó. Hiệp hội điều Việt Nam đã đề xuất cần xem xét để tháo gỡ để ngăn chặn nguy cơ tồn kho, có thể gây phá sản thua lỗ.
"Một doanh nghiệp nếu được thông thoáng sẽ hoạt động bằng tất cả năng lực, nhưng hiện nay với ràng buộc của quy định này chỉ có thể hoạt động bằng 1 gươm thôi", ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nói.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Danh mục của 48 quốc gia được Việt Nam chấp nhận quản lý an toàn thực phẩm chúng ta có thể chọn các quốc gia pử châu Phi, có thể họ chưa nằm trong nhưng chúng ta đưa có thể vào là thị trường nhập quan trọng của chúng ta, có điều kiện, ví dụ chỉ với mặt hàng điều thôi".
Khi những khó khăn kép của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ thì thu nhập của nông dân trồng điều hiện chỉ ở mức 40 triệu đồng/ha và gần như không tăng trong 10 năm gần đây. Trong khi đó, thu nhập của người trồng hồ tiêu có thể lên đến 500 - 600 triệu đồng/ha. Còn nếu so với cây sầu riêng thì người trồng điều càng thua xa hơn nữa.
Thách thức khi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khoảng 2,2 triệu tấn điều thô, trị giá 2,6 tỷ USD. Viêc doanh nghiệp lựa chọn nguyên liệu nhập khẩu cũng là do giá điều thô thế giới thường thấp hơn trong nước. Có thời điểm hạt điều thu mua trong nước lên đến 1.000 USD/tấn trong khi mua ở châu Phi chỉ có 300 USD/tấn. Tuy nhiên điều này cũng kéo theo những thách thức.
Hiện nay các nước châu Phi cũng đã dần chủ động công nghệ chế biến, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam. Hiện Việt Nam chỉ còn có lợi thế ở trình độ người lao động.
Để bóc tách được hạt điều thì phải qua nhiều công đoạn, các nước châu Phi đã làm được 80%, sau đó xuất khẩu sang Việt Nam để làm tiếp các khâu còn lại. Như vậy dần dần lợi nhuận của các nhà máy ở Việt Nam càng lúc càng giảm sút.
Như vậy, lợi nhuận doanh nghiệp ngành điều còn thấp và đang chịu sự cạnh tranh rất lớn. Chính vì vậy, dù tiềm năng nhưng ngành điều đang rất cần một lời giải cho nghịch lý xuất khẩu tỷ USD nhưng thua lỗ luôn rình rập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!