Ảnh minh họa. Nguồn: Phnom Penh Post.
EU hồi tháng Một đã bắt đầu áp thuế nhập khẩu trong ba năm lên mặt hàng gạo từ Campuchia và Myanmar, nhằm hạn chế đà tăng nhập khẩu gạo từ hai quốc gia này và bảo vệ các nước sản xuất gạo của EU như Italy. Campuchia đã đệ đơn kiện lên Tòa Công lý châu Âu (ECJ) liên quan đến việc EU áp thuế trên.
Theo bản báo cáo cập nhật kinh tế Campuchia của WB vừa công bố, kể từ sau quyết định áp thuế nói trên của EU, xuất khẩu gạo của Campuchia sang EU trong tháng Hai chỉ đạt 10.080 tấn, giảm 57,8% so với tháng trước đó. Năm 2018, Campuchia đã xuất khẩu 270.000 tấn gạo sang EU, chiếm 43% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Theo báo cáo của WB, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã bù đắp cho sự sụt giảm về xuất khẩu gạo sang EU. Xuất khẩu gạo của Campuchia sang thị trường Trung Quốc đã tăng 45,6%, trong khi tổng lượng gạo xuất khẩu của Campuchia tăng 2% trong hai tháng đầu năm nay.
Campuchia hiện đang được hưởng cơ chế ưu đãi thương mại của EU mang tên "Everything But Arms" (EBA, Tất cả trừ vũ khí), theo đó tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia sang khối này đều được miễn thuế, trừ vũ khí.
EU chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Campuchia, bao gồm các mặt hàng may mặc, giày dép và xe đạp. Hồi tháng Hai, EU đã khởi động quá trình kéo dài 18 tháng có thể dẫn đến quyết định ngừng các ưu đãi thương mại EBA của Campuchia. Theo WB, nếu Campuchia không còn được hưởng các ưu đãi từ cơ chế EBA, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này sang EU tối đa sẽ giảm 654 triệu USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!