Xuất khẩu gạo dự báo nhiều đột phá trong năm 2022

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 21/01/2022 11:24 GMT+7

VTV.vn - Gạo là một trong những mặt hàng được các quốc gia tăng dự trữ. Do đó, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động thương mại trên thế giới không thể ngưng trệ, thậm chí còn tăng mạnh hơn bởi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng.

Bên cạnh giá bán cao, nhu cầu của thế giới cũng là một trong những lý do năm 2021 xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 3,27 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm trước đó.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, dự tính đến giữa năm 2022, Trung Quốc sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Chính vì vậy, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài nhu cầu về số lượng, chất lượng cao cũng là lý do khiến gạo Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Xuất khẩu gạo dự báo nhiều đột phá trong năm 2022 - Ảnh 1.

Để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cả về chất lượng cũng như thương hiệu gạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Ngoài các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc..., xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.

Theo cam kết, châu ÂU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU.

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với gạo của các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường này.

Tập trung vào chất lượng để nâng giá trị xuất khẩu gạo

Mặc dù thị trường gạo có nhiều cơ hội để tăng trưởng, tuy nhiên dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, hệ thống logistics đứt gãy, chi phí tăng đột biến đòi hỏi ngành gạo phải thay đổi.

Trong năm 2021, có thời điểm khá dài giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan, nhưng nhiều quốc gia vẫn chọn nhập khẩu gạo Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết năm 2022, thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục hứa hẹn nhiều gam màu sáng khi sức tiêu thụ và giá bán dự báo sẽ tăng, đặc biệt với ở những mặt hàng gạo ngon, chất lượng cao.

"Dù tình hình dịch khó khăn nhưng mỗi tháng chúng tôi đều đặn khoảng 50 container cho thị trường châu Âu. Đây là tín hiệu đáng mừng. Gạo của chúng tôi đang bán với giá ngang ngửa gạo Thái Lan", ông Phạm Thái Bình cho hay.

Để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, Tập đoàn Tân Long đã mạnh dạn đầu tư và kịp thời đưa vào hoạt động nhà máy thu mua, xây xát, chế biến quy mô hiện đại nhất châu Á ngay trong đầu năm mới này, với điểm nhấn là hệ thống 80 silo có sức chứa 240.000 tấn lúa, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn lúa khô/ngày.

Vài năm trở lại đây, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ dao động khoảng 6 triệu tấn, đáng chú ý, có gần 90% sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao. Đây sẽ là tấm vé thông hành để hạt gạo Việt đi vào các thị trường khó tính, cũng là cơ hội để ngành hàng này phát triển, bứt phá và vượt xa.

Nhiều doanh nghiệp lớn nhận định, chất lượng gạo Việt Nam rất vượt trội, nhưng mức giá xuất khẩu chưa tương xứng. Dù thực tế hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ và Pakistan và có thời điểm khá dài trong năm 2021 cao hơn gạo Thái Lan, nhưng nhiều quốc gia vẫn chọn nhập khẩu gạo Việt Nam. Điều này cho thấy, vấn đề chất lượng đóng vai trò quan trọng. Để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư cả về chất lượng cũng như thương hiệu gạo.

Doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép nếu không xuất khẩu gạo Doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép nếu không xuất khẩu gạo

VTV.vn - Có giấy phép xuất khẩu gạo, nhưng nếu một thời gian dài không xuất khẩu, doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước