Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,5 - 8 triệu tấn gạo trong năm nay. Đó là khẳng định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị điều hành xuất khẩu gạo hôm nay (4/8) tại thành phố Cần Thơ.
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới cấm xuất khẩu gạo, việc điều hành cân đối giữa xuất khẩu và dự trữ là rất quan trọng để vừa nắm bắt thời về giá, vừa đảm bảo ổn định nguồn cung trong nước, giữ được uy tín, thương hiệu gạo Việt.
Năm nay, dự kiến diện tích sản xuất lúa gạo nước ta là 7,1 triệu ha, với sản lượng từ 43 - 43,5 triệu tấn. Đến nay, sản lượng thu hoạch đã đạt trên 24,1 triệu tấn. Vụ lúa Hè Thu đang thu hoạch, trong khi lúa Thu Đông đã xuống giống 700.000 ha theo kế hoạch.
Theo ước tính của Liên Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,6 tỷ USD, tăng khoảng 18% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với cùng kỳ.
7 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4,8 triệu tấn gạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đảm bảo 14 - 15 triệu tấn lúa nguyên liệu, nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo cũng phải cẩn trọng, trong đó 180 doanh nghiệp xuất khẩu vừa tập trung thực hiện các hợp đồng đã ký, vừa xem xét lựa chọn kỹ các đối tác mới. Quan trọng nhất là kiểm soát chặt chất lượng, sản lượng, giá cả phù hợp cũng như giữ gìn uy tín thương hiệu.
"Khi Ấn Độ mở cửa lại, khoảng tháng 9 - 10, họ vào vụ lại, khi đó thị trường sẽ rớt xuống nhanh. Các doanh nghiệp phải hết sức chú ý. Lợi thế chỉ là ngắn hạn, nên chúng ta phải cẩn thận để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp", Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết.
"Xuất thì vẫn phải xuất để tranh thủ thời cơ, tận dụng lợi ích, nhưng cần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Cùng với dự trữ nhà nước, việc kinh doanh, xuất khẩu gạo cần cân nhắc, tính toán để vừa đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, vừa phải giữ an ninh lương thực quốc gia", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Không chỉ tận dụng cơ hội về giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Hiệp hội và các thương nhân tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với người trồng lúa, giữa các doanh nghiệp với nhau để hạn chế rủi ro, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán nhằm hài hóa lợi ích các bên theo chuỗi giá trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!