Xuất khẩu gạo tăng mạnh tháng đầu năm

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 20/02/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 1 vừa qua đạt trên 505.000 tấn, với trị giá đạt trên 246 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2021, kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm nay tăng đến hơn 45% về lượng và gần 30% về giá trị.

Trong đó, Philippines vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến trên 230.000 tấn và trên 110 triệu USD trong tổng sản lượng và kim ngạch đã xuất khẩu trong tháng đầu năm.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong một thời gian dài, tháng đầu năm nay đã rơi xuống vị trí thứ ba, sau Bờ Biển Ngà.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh tháng đầu năm - Ảnh 1.

Gạo xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn giá trị. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo đó, tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt hơn 56.000 tấn với trị giá trên 23 triệu USD, tăng tới hơn 400% về lượng và hơn 250% về giá trị so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất sang Trung Quốc đạt trên 37.000 tấn với trị giá gần 19 triệu USD, giảm gần 40% về lượng và về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ đà tăng giá gạo

Gạo xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn giá trị, do Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại. Bên cạnh đó, các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc..., nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) khiến hạt gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn.

Những nước sau một thời gian chống dịch cực đoan sẽ mở cửa trở lại và tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng cũng như dự trữ quốc gia.

Đối với thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc, số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, dự tính đến giữa năm 2022 nước này sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Chính vì vậy, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An xuất hàng đi 5 quốc gia, tuy số lượng không lớn nhưng là một khởi đầu đầy thuận lợi. Gạo thơm, gạo chất lượng cao được các đối tác nước ngoài mua từ 600 - 1.000 USD/tấn.

"Đây là một tín hiệu mừng. Gạo sạch của chúng tôi đang bán với giá ngang ngửa gạo Thái Lan", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết.

Theo dự báo của các doanh nghiệp, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có bước đột phá. Ngoài thị trường truyền thống, châu Âu đang hứa hẹn có nhiều tiềm năng và giá bán cao. Với khoảng 22.000 ha đất trồng lúa chất lượng cao, tỉnh An Giang đang nỗ lực cấp mã code vùng trồng để doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi sang thị trường này.

"Với việc cấp mã số vùng trồng, đào tạo cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp, đây sẽ là nền tảng để chúng ta sản xuất lúa gạo ổn định và bền vững", Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhận định.

Để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống kho chứa, nhà máy hiện đại. Các đơn vị cũng đẩy mạnh liên kết với các địa phương, xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao chuyên xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu. Mới đây, tỉnh Kiên Giang và An Giang đã ký thỏa thuận với một doanh nghiệp xây dựng vùng lúa nguyên liệu lên đến 30.000 ha.

Theo Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Xuất khẩu gạo hứa hẹn sẽ có một năm tăng trưởng về lượng và chất nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thời cơ này.

Cơ hội cho gạo Việt Nam từ hiệp định EVFTA

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo từ 6 - 6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021, dù giá gạo xuất khẩu năm 2022 có thể không đạt đỉnh cao như năm trước.

Cũng theo VFA, xuất khẩu gạo năm nay tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng. Tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện. Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh tháng đầu năm - Ảnh 2.

An Giang và Kiên Giang là những địa phương có sản lượng lúa dẫn đầu cả nước với trên 4 triệu tấn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3/2022, khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội lớn để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU.

Đáng chú ý, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.

An Giang và Kiên Giang là những địa phương có sản lượng lúa dẫn đầu cả nước với trên 4 triệu tấn. Việc các doanh nghiệp đứng ra tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra sẽ giúp nông dân giảm rủi ro được mùa, mất giá và phải giải cứu.

Xuất khẩu gạo dự báo nhiều đột phá trong năm 2022 Xuất khẩu gạo dự báo nhiều đột phá trong năm 2022

VTV.vn - Gạo là một trong những mặt hàng được các quốc gia tăng dự trữ. Do đó, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước