Nhập khẩu nguyên liệu gỗ tăng vì đơn hàng xuất khẩu dồi dào, đặc biệt là ở các thị trường chủ lực như Mỹ tăng lên đến 90%. Những thị trường tăng trưởng âm năm 2020 như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng tăng trở lại, trung bình từ 10 - 30%.
Sức mua phục hồi nhất là ở Mỹ và châu Âu, sự ổn định nhu cầu ở thị trường châu Á, đồng thời chuỗi cung ứng của Việt Nam không bị đứt gãy, đó là những lý do khiến tăng trưởng xuất khẩu gỗ vẫn đạt con số ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Do đó, lực lượng sản xuất của các nhà máy gỗ liên tục gia tăng từ quý III/2020 đến nay.
Ngoài ra, sự ổn định của giá nguyên liệu đầu vào cũng gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gỗ Việt Nam. Bởi hiện nay, hơn 65% là nguồn nguyên liệu trong nước, chỉ tăng giá từ 10 - 15%, trong khi thế giới tăng gấp đôi, gấp 3 lần.
Theo nhiều doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu gỗ lúc nào cũng dồi dào. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trước diễn biến dịch COVID-19, hiện các nhà máy chế biến gỗ đã tổ chức cắm trại cho người lao động ngay tại chỗ làm việc, giữ an toàn môi trường làm việc để đảm bảo lực lượng sản xuất, giữ được nguồn cung hàng.
"Các doanh nghiệp đang cố gắng hoàn thiện đơn hàng đã ký. Một số doanh nghiệp đã sản xuất những dòng sản phẩm, với lượng khách hàng ổn định, để tối đa hóa lợi nhuận, giữ ổn định thị trường", Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho biết.
Thách thức hiện nay đối với các nhà sản xuất là làm sao đảm bảo lượng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện một số doanh nghiệp lớn trong ngành còn có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm lao động, cũng như chuẩn bị các nguồn nguyên vật liệu cho những mùa vụ sản xuất tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!