Sau 4 năm thực thi, EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho sản phẩm của Việt Nam vào thị trường EU. Đây là một trong những Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam, và cũng là FTA thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả có đc là tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường là gần 170 tỷ USD, tăng gần 50 % so với thời điểm trước EVFTA. Trong đó nông nghiệp là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Nông nghiệp cũng là mặt hàng được hưởng nhiều lợi ích nhất kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Nhờ đó kim ngạch thương mại ngành hàng nông sản tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch thương mại cả nước. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm ngoái, như: Thủy sản tăng gần 30%, rau quả tăng gần 35%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng hơn 85%...
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính chung xuất khẩu nông sản sang EU đã tăng trung bình 15% mỗi năm trong 4 năm qua. Đặc biệt, các mặt hàng như gạo ST25, thanh long, và xoài cát Hòa Lộc đã trở thành những sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều quốc gia châu Âu. Không chỉ tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến chế biến và đóng gói.
Nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh
EVFTA tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam vừa công bố cũng nhấn mạnh, sau 4 năm thực thi, EVFTA tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời mở cánh cửa cho các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam. Hiện Việt Nam đang nằm trong nhóm nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và gạo. Sự khắt khe của của các thị trường thế giới góp phần cải tiến chất lượng nông sản và năng lực cạnh tranh, tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Ông Julien Gurrier - Đại sứ Liên minh Châu Âu EU tại Việt Nam cho biết: "Có thể thấy mức độ tự do hóa thương mại ngày càng được nâng cao qua các năm, như là mức độ cắt giảm thuế đang tiến dần về 0% đến năm 2030 trong Hiệu định thương mại tự do EVFTA. Nhưng kèm theo đó là yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, các mặt hàng này phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, vùng trồng cho đến quy trình chế biến nông lâm thủy sản. Phía EU sẽ đánh giá từ các tiêu chuẩn, chứng chỉ cho đến quá trình thực thi từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Bên cạnh đó từ thời điểm đàm phán ký kết và đến giờ cũng qua nhiều năm nên đã có thêm các tiêu chuẩn mới về trách nhiệm xã hội và môi trường".
Đầu tư sản xuất bền vững để tăng giá trị nông sản
Mặc dù Liên minh châu Âu đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ nông sản Việt nhưng đây vẫn là một thị trường khó tính với những quy định liên tục thay đổi. Vì vậy, Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu, thì cần khắc phục các tồn tại liên quan đến quy tắc xuất xứ, chất lượng hàng nông sản. Việc đầu tư phát triển những mô hình nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Đầu tư mạnh chế biến sâu giúp doanh nghiệp này liên tục tăng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là EU. Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ dứa, chanh leo, ngô của doanh nghiệp này sang EU từ chỗ chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng… thì nay đã chiếm đến gần một nửa.
Việc khơi thông được thị trường EU cũng là cơ sở tốt để chúng ta áp dụng các quy tắc chung đó đi vào thị trường khó tính hơn.
"Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã đầu tư 2 khu tổ hợp chế biến mới, 1 ở trong Tây Nguyên, 1 ở trên Sơn La, cả 2 nhà máy đều là tiêu chuẩn G7, đáp ứng được toàn bộ tiêu chuẩn thị trường châu Âu. Trong thời gian sắp tới chúng tôi đã và đang tiến hành đầu tư vào công nghệ chế biến xanh để dần dần hướng tới sản phẩm của chúng tôi 100% là sản phẩm xanh", ông Đinh Gia Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho hay.
Không chỉ khâu chế biến, mà xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình canh tác càng phải cũng phải được đầu tư bài bản.
Vùng dứa đã được canh tác qua hàng chục năm nhưng đến nay vẫn cho sản lượng đều 80 - 90 tấn dứa/1ha. Nhờ đầu tư lớn về hạ tầng, thay đổi phương thức canh tác, đi sâu vào kỹ thuật giúp tăng sản lượng, phục vụ cho các nhà máy sản xuất, chế biến. Như vậy, đảm bảo từ vùng nguyên liệu cho đến sản phẩm đầu ra… giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, chinh phục thị trường khó tính như EU.
Thực tế cho thấy tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ đều tăng cao ở các ngành hàng chủ lực như Thủy sản: gần 90%, Rau quả: >88,3%... không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế về 0% mà hơn hết là nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu Việt, tăng khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam tại EU.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: "Hàng thủy sản của chúng ta chẳng hạn, khi tiếp cận được thị trường EU thì khả năng tiếp cận thị trường khác nó cũng tăng lên rất nhiều. Trong thời gian qua với bàn đạp khơi thông được thị trường EU đây cũng là cơ sở rất tốt chúng ta áp dụng các quy tắc chung đó để đi vào thị trường khó tính hơn. Đặc biệt là EU 1 trong những đối tác đi đầu xu hướng mới hiện nay, như là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh".
Theo các cơ quan thương vụ ở EU, tỷ trọng các sản phẩm nông sản Việt Nam như chanh leo, thanh long, sầu riêng, xoài… luôn được duy trì và có sự tăng trưởng so với các quốc gia khác kể cả thời điểm biến động thương mại do dịch bệnh, gián đoạn logistics. Điều này sẽ giúp sản phẩm chất lượng dần chinh phục được thị trường khó tính Liên minh châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!