Xuất khẩu rau quả 4 tháng thu hơn 1 tỷ USD

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 10/05/2023 14:26 GMT+7

VTV.vn - Trong 4 tháng đầu năm, trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu suy giảm xuất khẩu, ngành hàng rau quả lại có tín hiệu khả quan.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với trên 58% thị phần và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng cường nhập trái cây Việt Nam.

Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: thanh long, sầu riêng, xoài, mít... Đặc biệt, sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành rau quả những tháng đầu năm. Nếu tình hình thuận lợi, kim ngạch trái cây vua này dự báo có thể đạt 1 tỷ USD trong năm nay.

Lưu ý khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc

Nhiều ý kiến cho rằng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhanh chủ yếu do thị trường này đã mở cửa trở lại sau thời gian dài chịu tác động của chính sách "Zero COVID-19". Tuy nhiên vẫn còn đó không ít lo ngại, nhất là khi tháng 6 và tháng 7 tới là cao điểm vụ thu hoạch trái cây tươi, nên rất dễ lặp lại tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu.

Xuất khẩu rau quả 4 tháng thu hơn 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với trên 58% thị phần. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Để tránh những rủi ro như đã từng xảy ra với những hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu khi xuất sang Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã đưa ra một số lưu ý với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trong nước.

"Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhất của chúng ta. Bởi chúng ta và Trung Quốc có lợi thế về khoảng cách địa lý. Chúng ta có đường biên giới tốt và vận chuyển hàng hóa rất nhanh nên chất lượng hàng hóa của chúng ta sẽ tốt hơn so với một số nước khác. Tuy nhiên rủi ro lớn nhất có thể nhận thấy là hiện nay, việc quản lý về hàng rào kỹ thuật do phía Trung Quốc yêu cầu hiện chúng ta đáp ứng khá tốt, nhưng khi sản lượng tăng, đây sẽ là vấn đề khó khăn trong quản lý mã số nhà máy đóng gói, mã số vùng trồng. Sau đó chúng ta phải quản lý làm sao để đảm bảo chất lượng, đảm bảo thương hiệu.

Tại thị trường Trung Quốc hiện nay, chúng ta đang gặp phải sự cạnh tranh lớn với sầu riêng Thái Lan, Malaysia. Hiện nay, Thái Lan có nhiều quy định về chất lượng, kiểm soát tại vùng trồng, cơ sở đóng gói để khi hàng hóa xuất khẩu đạt chất lượng tốt nhất. Còn Việt Nam hiện cũng đang có nhiều chính sách quản lý chất lượng, nhưng tôi cho rằng chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm thương hiệu ở Trung Quốc", ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nói.

Củng cố chất lượng mã số vùng trồng

Mã số xuất khẩu đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu. Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 6.400 vùng trồng trái cây và hơn 1.600 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu, đi 11 thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng lo là bên cạnh việc nhiều mã số được cấp mới, mới đây cũng đã có hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi, trong đó phần lớn là các mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc.

"Mã số vùng trồng mục đích là để truy xuất lại những lô hàng có vấn đề. Nó như điều kiện cần để xuất khẩu. Như vậy, nếu Việt Nam muốn xuất khẩu nhiều và lớn thì chúng ta phải có mã số vùng trồng nhiều và vùng trồng phải lớn, đạt chất lượng. Đối với doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng chúng ta phải đi cùng nhau, vì một cái chung là cùng nhau giữ hình ảnh sản phẩm trái cây xuất khẩu, tại vì đó là nồi cơm của chúng ta. Một, hai doanh nghiệp khi làm không đủ chuẩn sẽ ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Một việc tối quan trọng nữa là chúng ta cần có đội ngũ ở bên các nước nhập khẩu như Trung Quốc hay Mỹ, EU, thông quan hiệp hội hay đại sứ quán, tham tán để chúng ta nắm được thay đổi, quy định của từng thị trường", ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt là câu chuyện tiêu thụ. Trong quý II này, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn, trong đó chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng cho thu hoạch... Nguồn cung trái cây đang rất dồi dào cũng đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ.

Xuất khẩu gạo tăng cao nhất nhóm nông sản chủ lực Xuất khẩu gạo tăng cao nhất nhóm nông sản chủ lực

VTV.vn - Giá trị xuất khẩu gạo tháng 4 tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước