Xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2030

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 08/01/2025 15:33 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ 8 tỷ USD, mà các chuyên gia đầu ngành còn dự báo, xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2030.

Chế biến sâu giúp tăng kim ngạch cho ngành rau quả

Xuất khẩu rau quả hướng tới mục tiêu 8 tỷ USD trong năm nay sau khi đạt hơn 7,1 tỷ USD năm ngoái, với sầu riêng đóng góp khoảng 40%. Sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chủ lực, nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo sản lượng sầu riêng tăng 15% nhờ người dân trồng gối đầu và nâng cao năng suất, đặc biệt tại Tây Nguyên. Nhiều mã số vùng trồng sẽ được cấp cho các vườn đủ điều kiện xuất khẩu trong năm nay. Ngoài sầu riêng, các mặt hàng rau quả khác cũng ghi nhận tăng trưởng ổn định ngay từ đầu năm.

Ngay từ đầu năm, các nhà máy rau quả trong nước đã phải tăng tốc để có thể đạt được kế hoạch xuất khẩu đã đề ra cho năm nay. Việc đầu tư chế biến sâu, kết hợp thị trường tiêu thụ khởi sắc, đang tạo nên nhiều gam màu sáng cho ngành hàng tỷ đô này.

Mỗi ngày nhà máy thu mua và chế biến khoảng 50 tấn rau quả các loại. Thị trường khởi sắc, doanh nghiệp quyết định tăng quy mô sản xuất và mục tiêu tăng trưởng trong năm mới này.

Ông Bùi Phú Kiệt - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản Phúc Tiến cho biết: "Năm 2024, tổng doanh thu của chúng tôi khoảng 120 tỷ. Dự kiến, sang năm 2025, tổng doanh thu tăng từ 20-30%. Nói chung, thị trường rất tốt, khách hàng đang cần nhiều, thậm chí nguồn nguyên liệu không đủ cho sản xuất".

Một tín hiệu đáng mừng là mặc dù đang trong tháng 1/2025, nhưng hiện nhiều nhà máy rau quả ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ký được đơn hàng tới tháng 5 và 6. Do vậy, mọi hoạt động thu mua - chế biến đang diễn ra khá sôi động.

Xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 1.

Chuyển từ bán thô sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu là cách để ngành hàng rau quả lên ngôi

Không chỉ ký được nhiều đơn hàng, mà sản phẩm rau quả nước ta còn bán được giá cao. Chuyển từ bán thô sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu là cách để ngành hàng này lên ngôi.

Ông Đinh Thủy Diệu Bình - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Thabico cho biết: "Những sản phẩm chúng tôi đang làm hiện nay là sản phẩm về dừa, nước dừa, sữa dừa, cơm dừa sấy… Về đông lạnh có các sản phẩm về trái cây đông lạnh và trái cây sấy than hoa".

Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định: "Các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Qua đó, họ sẽ kết nối tham gia sâu vào chuỗi ngành hàng giá trị, nhất là khâu chế biến sâu. Bởi vì đây là một trong những việc nâng cao giá trị của sản phẩm".

Hiện ngành rau quả Việt Nam tiếp tục khai thác tốt cơ hội và lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Một khi chất lượng sản phẩm được nâng cao, đa dạng các kênh tiêu thụ, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD với ngành hàng này hoàn toàn có thể đạt được.

Thay đổi để tăng trưởng bền vững

Không chỉ 8 tỷ USD, mà các chuyên gia đầu ngành còn dự báo, xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2030. Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, ngành rau quả vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Để tăng trưởng hiệu quả, bền vững, đòi hỏi ngành hàng tỷ đô này phải có nhiều thay đổi trong năm mới này.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu ý kiến: "Chất lượng là một yếu tố quyết định cho vấn đề giữ vững thị trường. Vì sắp tới, có rất nhiều nước sẽ xuất khẩu các mặt hàng tương tự giống nhau".

Ông Bùi Băng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trí Sơn đưa ra nhận định: "Một là kênh xúc tiến thương mại, hai là hỗ trợ về công cụ, máy móc để doanh nghiệp tiếp tục để hạ giá thành sản phẩm để xuất khẩu. Thứ ba là quảng bá".

Ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Nhiều xúc tiến thương mại ở các nước để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thứ hai để các nước thấy được tiềm năng về các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh An Giang, trong đó vẫn là các mặt hàng thế mạnh như thủy sản, lúa gạo, rau củ quả".

Ông Lê Minh Phụng - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Kho lạnh AJ Total Hàn Quốc chia sẻ: "Đặc biệt các doanh nghiệp nếu có nhu cầu xuất khẩu thường xuyên có thể có các hợp đồng ổn định với các đối tác lớn. Như vậy, giá có thể được ổn định hơn. Vừa rồi, một số đơn vị ở Đồng bằng sông Cửu Long, khi có nhu cầu sử dụng rất lớn container, người ta đã đăng ký trước, giá rất ổn định, mặc dù thị trường biến động nhưng doanh nghiệp rất ổn định nên họ có được giá tốt".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước