Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục gần 5 tỷ USD

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 26/10/2023 14:10 GMT+7

VTV.vn - Rau quả vẫn tiếp tục là ngành hàng có mức tăng trưởng ấn tượng trong số các mặt hàng xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam.

Đến cuối tháng 10, xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng trên 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này vượt xa so với kế hoạch và là mức cao nhất kể từ trước đến nay. Đây là thông tin Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố.

Trong số đó đóng góp nhiều nhất là sầu riêng, hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây tỷ đô này ước đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của nước ta... sang các thị trường cũng tăng mạnh.

Xuất khẩu hoa quả vào châu Âu tăng mạnh

Ngoài sự tăng trưởng ở các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... thì lượng trái cây Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chanh leo, thanh long, dừa, dứa và mãng cầu xiêm... đang là những loại quả được thị trường này ưa chuộng.

Đi một vòng các gian hàng Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Anuga, ấn tượng năm nay là hoa quả. Hoa quả Việt Nam nổi trội, bên cạnh các sản phẩm truyền thống từ nhiều năm qua, như hạt điều, hạt tiêu, mỳ miến bánh tráng. Không thấy nhiều cà phê như mọi năm, thay vào đó là rau quả, hàng chục loại trái cây nhiệt đới từ Việt nam.

Chị Trần Ái Lâm, công ty Rau quả Tiền Giang Vegetigi cho biết: "Hiện giờ bên châu Âu đang có phong trào về ăn chay, ăn những cái thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật hơn là động vật. Do đó, các sản phẩm bên tôi hiện giờ mà phổ biến bên thị trường châu Âu là gồm có mít non dùng để chế biến các sản phẩm giả thịt, kế đến là những cái loại trái cây mà có tính phát triển bền vững, ví dụ như mít, nha đam".

Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục gần 5 tỷ USD - Ảnh 1.

Hoa quả Việt Nam sang châu Âu đã vượt qua giai đoạn chỉ có sấy khô, dễ vận chuyển, dễ bảo quản, hạn bán dài. Bây giờ đủ loại trong những phân khúc cao hơn. Trái cây nguyên quả hoặc cắt miếng cấp đông hoặc nước ép đóng thùng lạnh dung tích lớn hoặc cô đặc, sánh như mật ong, phù hợp với người châu Âu ăn rất nhiều đồ ngọt nhưng lại cố tránh dùng đường.

Ông Lê Công Lập - Công ty Phú Thịnh Food cho biết: "Nước hoa quả cô đặc sẽ từ xoài hoặc là chanh dây, sau khi nghiền ép xong phải đưa vào cô đặc để dùng trong trà sữa, hoặc làm bánh, nước giải khát từ trái cây, giúp cho người uống cảm thấy là ngon miệng mà lại ít đường".

Phân khúc khó nhất là hoa quả tươi nguyên trái, khó vận chuyển đường xa. Doanh nghiệp Việt Nam đang thăm dò phản ứng của khách hàng châu Âu với một số loại quả tươi nguyên trái có vỏ dày tự nhiên.

Bà Hồ Thị Loan - Công ty Nafoods cho biết: "Chanh leo ngày xưa Nafoods vẫn xuất khẩu sang châu Âu rất chua nên người ta sẽ phải cần thêm đường vào. Bây giờ Nafoods đã lai tạo ra một cái loại giống là Nafoods 1, độ ngọt tự nhiên của nó cao hơn và phù hợp với xu thế hiện tại là không dùng đường mà chỉ cần cắt ra và ăn luôn".

Tập quán tiêu dùng của người châu Âu, hướng tới trái cây ít qua chế biến công nghiệp và có độ ngọt tự nhiên, ăn nhiều trái cây hơn dưới những hình thức khác nhau trong các món ăn khác nhau, đang tạo thuận lợi cho hoa quả nhiệt đới, trong đó có trái cây từ Việt Nam.

Tăng tỷ lệ rau quả chế biến sâu

Có thể thấy tập quán tiêu dùng của người châu Âu đã đa dạng hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trong nước phải quan tâm đầu tư cho chế biến như cắt miếng cấp đông hay nước ép cô đặc... thay vì chỉ dừng lại ở bán quả tươi nguyên trái.

Đòi hỏi này cũng đang được nhận diện ở Tây Nguyên - nơi mà xuất khẩu rau quả một số tỉnh trong khu vực cũng đã có sự tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay.

Nhờ giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ được khơi thông sau đại dịch... nên xuất khẩu ngành hàng rau, quả các tỉnh Tây Nguyên đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục gần 5 tỷ USD - Ảnh 2.

Lâm Đồng - địa phương trồng rau lớn nhất cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 670 triệu USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng, sầu riêng chứng kiến sự bức phá mạnh mẽ với giá trị kim ngạch ước đạt hơn 800 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm cho biết: "Mọi thủ tục và vấn đề pháp lý để chúng tôi có thể thực hiện xuất khẩu sản phẩm sầu riêng qua Trung Quốc thì khá là tốt".

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, rau quả của Tây Nguyên chủ yếu xuất khẩu dạng tươi. Đến nay, toàn vùng chỉ có 8 nhà máy chế biến rau quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, tổng sản lượng rau quả mỗi năm khoảng 3 triệu tấn.

"Khoa học công nghệ đã đến lúc trở thành vấn đề phải quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp sản xuất và vận hành chuỗi giá trị nông nghiệp đặc biệt là ngành rau củ quả", ông Lê Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lavifood cho hay.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Tăng cường và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng. Tập trung vào cơ chế chính sách và cải cách hành chính - đây là yếu tố rất quan trọng để tạo môi trường đầu tư thông thoáng".

Vì vậy, về lâu dài, ngoài tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng nông sản… các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến. Bởi tăng cường chế biến sâu không chỉ giảm tổn thất sau thu hoạch, mà còn gia tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần so với xuất khẩu rau quả tươi như hiện nay.

Năm ngoái trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm giảm 5,9%, riêng nhóm sản phẩm rau quả chế biến tăng trưởng 9,8% và lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sản lượng trái cây và rau đưa vào chế biến hàng năm ở nước ta mới chỉ chiếm khoảng 12 - 17% trong tổng sản lượng rau quả cả nước. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chế biến sẽ là "chìa khóa" để Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu mặt hàng này trên toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước