Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 156 tỷ USD

Hà Mai-Thứ hai, ngày 11/12/2023 14:15 GMT+7

VTV.vn - 11 tháng năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có tăng trưởng 6,2%, đạt giá trị gần 156 tỷ USD.

Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện Việt Nam đang đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa cho 4 nhóm hàng như: sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu…

Nếu thành công, đây sẽ là những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD tiềm năng, tiếp tục đưa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước tăng trong tương lai.

Tăng cường thông tin về quy định xuất khẩu nông sản

Tính đến nay, thị trường Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; cùng với 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam.

Đây là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư sản xuất, cũng như thay đổi tư duy và cách tiếp cận để khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường này.

Lệnh 248, Lệnh 249, các quy định trong Nghị định thư theo từng mặt hàng. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng tiêu chuẩn. Vì vậy, nhiều hoạt động phổ biến, hướng dẫn các quy định, thủ tục xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc đang được đẩy mạnh, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 156 tỷ USD - Ảnh 1.

Sầu riêng Việt Nam đắt hàng xuất khẩu sang thị trường tỷ dân. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Trong thời gian tới, Văn phòng SPS sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan hải quan Trung Quốc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cập nhật hồ sơ nếu còn vướng mắc để tiếp tục đăng ký, mở rộng thêm danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu", ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến sau ngày 30/6, các doanh nghiệp xuất khẩu đều đã tiến hành đăng ký và được hướng dẫn cụ thể cập nhật hồ sơ trên cổng thông tin của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc.

Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hiện đang đề xuất phía nước bạn sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động 12 cơ sở kiểm tra hàng hóa mở rộng, nâng cao hiệu suất thông quan cho nông sản Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã thống nhất với các địa phương giáp biên của Trung Quốc để duy trì tổ chức các kỳ Hội chợ thương mại Việt - Trung thường niên, luân phiên tại mỗi nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tìm hiểu, thâm nhập thị trường tỷ dân.

Những hội chợ thương mại không chỉ giúp kết nối giao thương, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp cập nhật thông tin mới về quy định xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như: tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, kiểm dịch hay truy xuất nguồn gốc, để sẵn sàng cạnh tranh với các hàng hóa, nông sản, thực phẩm của các nước tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin

Sự thay đổi về chính sách từ Trung Quốc theo hướng đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó đòi hỏi nông sản Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu qua đường chính ngạch.

Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng đang tập trung vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa.

Việc các doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin, xu hướng, phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng sẽ là chìa khóa để mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường tỷ dân.

"Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin, như bên Trung Quốc có yêu cầu gì, chúng tôi cần có đơn đề xuất tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tư vấn kịp thời", bà Lê Phương Thúy, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Tấn Phát Đạt, cho biết.

"Nếu trong trường hợp có vướng mắc, vi phạm, thì chúng ta cần phải phối hợp ngay với các cơ quan chuyên môn để xử lý, kịp thời thông báo thời gian kiểm tra, kiểm nghiệm, trả lời bên bạn để cố gắng tháo gỡ trong 2 tuần", ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.

"Điều kiện sản xuất và trình độ của nông dân mình nhiều khi chưa nắm bắt được các quy chuẩn, quy định. Vì vậy chúng ta cần cụ thể hóa, ngắn gọn, sát với thực tế để nông dân dễ hiểu, dễ nhìn nhận, áp dụng nhanh", ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận.

"Ngôn ngữ là một trong những rào cản trong thương mại. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội chúng tôi có những văn phòng để hỗ trợ các doanh nghiệp khi muốn tìm cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Đặng Duy Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Móng Cái, Quảng Ninh, thông tin.

Doanh nghiệp yến sào tăng đơn hàng xuất khẩu vào Trung Quốc Doanh nghiệp yến sào tăng đơn hàng xuất khẩu vào Trung Quốc

VTV.vn - Lô sản phẩm tổ yến đầu tiên đã thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc, đánh dấu bước tiến quan trọng cho sản phẩm yến sào Việt Nam, khi chinh phục được thị trường tỷ dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước