Xuất khẩu tôm đổi hướng thị trường những tháng cuối năm

VTV Digital-Thứ năm, ngày 08/08/2024 13:34 GMT+7

VTV.vn - Dù đang đối mặt với một số khó khăn nhất định nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng chủ động có chiến lược cho riêng mình.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ Ecuador, Ấn Độ. Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu cho chế biến trong nửa cuối năm 2024. Các doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam đổi hướng thị trường trong những tháng cuối năm 2024.

Ví dụ như thị trường Mỹ tuy có sức tiêu thụ lớn nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này; chuyển hướng sang các thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Có doanh nghiệp chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch để bán được giá tốt hơn.

Xuất khẩu tôm đổi hướng thị trường những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, các quốc gia có lợi thế về nguồn nguyên liệu tôm giá rẻ như Ecuador và Ấn Độ cũng đang dần định hướng phát triển sản phẩm tôm chế biến để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hướng đi này được xem như là giải pháp vượt rào thuế chống bán phá giá tại Mỹ hay các quy định cạnh tranh tại thị trường châu Âu.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta cho biết, khả năng đẩy mạnh năng lực chế biến tôm của hai quốc gia Ecuador và Ấn Độ hoàn toàn khác biệt với ngành tôm Việt Nam. Nguyên nhân chính là vì nguồn nguyên liệu tôm của hai quốc gia này quá lớn, cộng với làm mặt hàng chế biến mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi trình độ lao động trong sản phẩm nhiều hơn. Vì vậy, lựa chọn đánh vào phân khúc thị trường sản phẩm tôm chế biến sâu có thể trở thành lợi thế của tôm Việt Nam.

Ở phân khúc thị trường này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam tập trung vào mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định. Nếu các quốc gia Ecuador và Ấn Độ tập trung vào thị trường châu Âu thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hướng sản phẩm của mình vào thị trường châu Á đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tôm Việt có chỗ đứng ở nhiều thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh, Mỹ, EU... Theo các chuyên gia, tôm Việt chế biến rất phong phú, trình độ chế biến chung của doanh nghiệp được thị trường ngoại đánh giá cao, tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn. Hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng...

Đặc biệt, hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Đó là chưa kể người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian nên sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý.

Xuất khẩu tôm hùm tăng 57 lần Xuất khẩu tôm hùm tăng 57 lần

VTV.vn - Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm hùm tăng gấp 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 130 triệu USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước