Xuất siêu hơn 23,3 tỷ USD
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có giá trị tăng cao như giá cà phê xuất khẩu trong 10 tháng đạt bình quân 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái; giá hạt tiêu tăng 51,7% lên mức 5.084 USD/tấn; giá gạo tăng 12%, đạt bình quân 626 USD/tấn; giá sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 7,1%; giá cao su tăng 22,1%; giá hạt điều tăng 2,9%).
Như vậy, lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 14,9%, nhập khẩu tăng 16,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD.
Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể coi là mức tăng trưởng khá cao so với một số nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á như: Trung Quốc tăng 4,3%; Hàn Quốc tăng 9,6%; Thái Lan tăng 3,9% (trong 9 tháng đầu năm 2024)...
Trong đó, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%.
Đáng chú ý, Bộ Công thương đánh giá, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu.
Điển hình, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản 10 tháng đạt 32,2 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, do hưởng lợi bởi giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng cao ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm trước như xuất khẩu hạt tiêu tăng 47%; cà phê tăng 39%; gạo tăng 23%; chè các loại tăng 30,3%; rau quả tăng 27,8%; gạo tăng 23,5%; nhân điều tăng 21,4%; cao su tăng 16,4%...
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo cũng phục hồi mạnh trong 10 tháng năm 2024, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, sơ bộ đạt 284,4 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 58,7 tỷ USD, tăng 26,1%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 46,5 tỷ USD, tăng 4,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 43 tỷ USD, tăng 21,5%; hàng dệt may đạt 30,6 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép các loại đạt 18,6 tỷ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,2 tỷ USD, tăng 21,2%; sắt thép tăng 15,1%, đạt gần 8 tỷ USD, tăng 14,7% ...
Xuất khẩu sang Hoa kỳ suýt soát gần 100 tỷ USD
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Theo thống kê của Bộ Công thương, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 98,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam hiện xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới, tới 100 quốc gia
Kế tiếp đó, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Trung Quốc, ước đạt 50,8 tỷ USD, tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 3 là thị trường EU ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau đó lần lượt là Hàn Quốc ước đạt 21 tỷ USD, tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,6%); Nhật Bản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Nhập khẩu tăng trưởng tích cực
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng năm 2024 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 48,3%).
Cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 nên cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng tới 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thống kê cũng cho thấy, Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đạt 117,7 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng tới 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kế tiếp đó là Hàn Quốc đạt 46,3 tỷ USD, tăng 7,6%; khu vực thị trường ASEAN đạt 37,9 tỷ USD, tăng 12,4%; Nhật Bản đạt gần 18 tỷ USD, tăng 0,2%; EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 12,2%; Hoa Kỳ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2%...
Các chỉ số khả quan là thế, tuy nhiên trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vẫn khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức như sự bất ổn địa chính trị, chi phí vận tải biển tăng, hàng rào phòng vệ thương mại ngày càng nhiều...Đòi hỏi cần có bước đi thận trọng và chiến lược hiệu quả, tránh rủi ro trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn để doanh nghiệp có sự phát triển bền vững hơn thời gian tới./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!