Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 674 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu 10,7 tỷ USD.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 342 tỷ USD, tăng gần 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đóng góp lớn nhất hiện nay vẫn là nhóm hàng công nghiệp chế biến, cụ thể là các mặt hàng điện tử, điện thoại. Những nhóm hàng khác như dệt may, da giày vẫn có sự tăng trưởng tương đối tốt nhưng chậm lại. Những nhóm hàng như nông sản, đặc biệt là gạo, cà phê có mức xuất khẩu kỷ lục", ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.
Dự kiến năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ về đích ở cột mốc lịch sử khoảng 11,2 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)
Những ngành xuất khẩu ấn tượng trong năm qua phải kể đến thủy sản, đặt mục tiêu 10 tỷ USD, nhưng mới qua 11 tháng đã đạt kế hoạch. Dự kiến năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ về đích ở cột mốc lịch sử khoảng 11,2 tỷ USD.
"Một năm xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở mức 31%, có thể nói là khá bất ngờ. Năm 2021, chúng ta vướng đại dịch nên trên cơ sở đó cũng khó để nói tỷ lệ năm nay tăng cao. Tuy nhiên, kết quả này đến từ nhu cầu thực phẩm sau dịch của các nước đều tăng. Đồng thời, thủy sản Việt Nam cũng đã chuẩn bị và kiên trì theo đuổi, sẵn sàng cung ứng khi thị trường cân", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay.
Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, tình hình xuất khẩu sẽ còn nhiều khó khăn do nhu cầu trên thế giới sụt giảm, các doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống, bám sát thông tin đối tác để điều chỉnh linh hoạt chiến lược, kế hoạch sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!