Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam. Đại diện chủ đầu tư dự án này cho biết tổng vốn đầu tư bao gồm 2 phần là vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng, trong đó, vốn chủ sở hữu do các nhà đầu tư đóng đang trả cổ tức là khoảng 13%.
Do đó, nếu mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được tính là 11,5% như hiện nay thì đang thấp hơn mức trả cổ tức. Vì vậy, nếu được điều chỉnh lên 14% thì nhà đầu tư mới kỳ vọng có lãi.
Đại diện chủ đầu tư của một dự án khác, đang được hưởng lợi nhuận hơn 14% cho biết, các dự án giao thông thường mất khoảng 4 năm để xây dựng và ít nhất 7 năm đầu đưa vào khai thác, số tiền thu được phải trả vốn vay và lãi suất cho ngân hàng, nghĩa là trong khoảng 11 năm đầu, vốn chủ sở hữu nằm im không có lãi.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, sau khi triển khai 2 dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, gần một nửa số dự án BOT có doanh thu thực tế thấp hơn dự toán ban đầu. Do đó, nếu không tăng tỷ suất lợi nhuận để bù lại những rủi ro có thể xảy ra, thì rất khó có thể thu hút được các nhà đầu tư.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng nên để mức lợi nhuận 14%. Bởi nó sẽ tương đương với lãi suất vốn vay dài hạn và lợi nhuận ở các lĩnh vực đầu tư khác. Ngoài ra, nó cũng đáp ứng được kỳ vọng lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài:
Tuy nhiên, đề xuất tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lên 14% chưa được Bộ Tài chính đồng thuận. Bởi theo Bộ Tài chính, mức này tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án giao thông đường bộ hiện nay. Vì vậy, cơ quan này đề nghị giữ nguyên mức 11,5%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!