Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 2006 – ĐỨC

-Thứ tư, ngày 11/06/2014 04:48 GMT+7

Nếu so sánh giữa hai cậu học trò có cùng điểm số cao trong học tập, nhưng một con nhà nghèo và một con nhà giàu, thì hẳn là bạn sẽ “kết” con nhà nghèo hơn. Xét chuyện tài năng, có thể cậu học trò nghèo chưa sánh bằng bạn nhưng về độ quyết tâm và nỗ lực vươn lên thì anh ta hoàn toàn không có đối thủ. Quay trở lại câu chuyện World Cup, cụ thể ở đây là kì đại hội năm 2006, Italia có thể được xem là một “con nhà nghèo” như vậy.

Tổng quan

Nước chủ nhà: Đức

Thời gian: từ 9/6 đến 9/7 năm 2006

Thể thức: vòng bảng và knock out

Các đội tuyển tham dự

World Cup 2006 là một trong những giải đấu chứng kiến rất nhiều những gương mặt mới lạ, những quốc gia mà tên của họ mới chỉ được thay đổi trong thời gian gần đây. Serbia và Montenegro, đội bóng liên hợp hai quốc gia khu vực Đông Âu là một ví dụ như vậy (Serbia chính là Nam Tư cũ) bên cạnh đó còn là Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc cũ), một cái tên từng được gắn mác “đại gia” trong thế kỉ trước.

Ngoài những sự thay đổi kể trên, cúp bóng đá thế giới năm 2006 còn đón chào một loạt những tân binh mà phần nhiều trong số đó đến từ châu Phi như Ghana, Togo, Angola. Châu Âu cũng góp mặt một tân binh khác là Ukraina trong khi vinh dự này của Trung Mỹ lại thuộc về Trinidad và Tobago.

Danh sách 32 đội tuyển tham dự: Đức – Costa Rica – Ba Lan – Ecuador – Anh – Paraguay – Trinidad và Tobago – Thụy Điển – Argentina – Bờ Biển Ngà – Serbia và Montenegro – Hà Lan – Mexico – Iran – Angola – Bồ Đào Nha – Italia – Ghana – Hoa Kỳ – Cộng hòa Séc – Brazil – Croatia – Australia – Nhật Bản – Pháp – Thụy Sĩ – Hàn Quốc – Togo – Tây Ban Nha – Ukraina – Tunisia - Ả Rập Xê-út.

Kết quả chung cuộc

Vô địch: Italia

Á quân: Pháp

Hạng ba: Đức

Hạng tư: Bồ Đào Nha

Vua phá lưới: Miroslav Klose (Đức – 5 bàn)

Cầu thủ xuất sắc nhất: Zinedine Zidane (Pháp)

Tổng số trận đấu: 64

Tổng số bàn thắng: 147 (trung bình 2.3 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 3,353,655 (trung bình 52,401 người/trận)

Italia và chức vô địch trong gian khó

Như đã nói ở trên, ĐT Italia bước vào kì World Cup thứ 18 trong lịch sử với tư cách của một “con nhà nghèo” thực sự. Đúng ra, nước Ý không nghèo, mà còn rất giàu (Ý là một trong mười nền kinh tế lớn nhất TG), bóng đá nước này cũng vậy nhưng cái “nghèo” mà người Ý đang trải qua ở đây lại không nằm ở vấn đề vật chất mà là ở tinh thần. Trong bóng đá đỉnh cao, yếu tố tâm lí có quyết định thành bại hay không? Xin thưa là có. Trước World Cup khoảng một tháng, đó phải là khoảng thời gian các ĐTQG tập trung, hoặc bắt đầu đưa ra những kế hoạch tập luyện cho VCK bóng đá thế giới nhưng bóng đá Ý lúc này lại đang phải giải quyết một trong những vụ scandal dàn xếp lớn nhất trong lịch sử, Calciopoli. Hàng loạt đội bóng lớn như Milan, Fio hay Lazio bị trừ điểm ở mùa kế tiếp nhưng nghiêm trọng hơn cả chính là Juventus. Đội bóng thành Turin ngay lập tức bị đánh tụt hạng, phải thi đấu tại Serie B mùa sau khiến cho những hảo thủ của họ, mà toàn là trụ cột của Italia, đến World Cup trong tâm trạng hết sức hoang mang. Đã thế, những cuộc phỏng vấn, những vụ điều tra vẫn tiếp tục được mở rộng ngay trong thời gian diễn ra World Cup, khiến cho các tuyển thủ khó mà tập trung hoàn toàn cho chuyên môn trong bối cảnh những câu chuyện về tương lai hay án phạt vẫn hoàn toàn có thể giáng xuống bất kì lúc nào.

Gian khó ai mà muốn gặp nhưng có vẻ như với tuyển Ý, họ phải có gian khó, họ mới thành công hay chính vào những lúc gian khó nhất thì sự đoàn kết và tinh thần chiến đấu vì tập thể Calcio mới được phát huy cao độ. Năm 1980, một scandal dàn xếp tương tự đã diễn ra, hai năm sau đó, Italia lên ngôi tại Espana 1982. Điều kì diệu ấy đã được tái hiện tại Berlin lần này khi Italia đánh bại Pháp và lên đỉnh thế giới còn sau này, NHM bóng đá xứ mì ống càng thêm phần tự hào khi ĐT quốc gia nước này vào đến chung kết Euro sau một vụ scandal dàn xếp nữa, chỉ có điều mức độ nghiêm trọng đã được giảm xuống.

 

Bàn thắng: ít số lượng, nhiều chất lượng

Giải đấu năm 2006 trên đất Đức được xem là một trong những VCK bóng đá thế giới khô hạn bàn thắng nhất. 147, là con số bàn thắng ghi được sau 64 trận, tỉ lệ 2.3 bàn/trận. Ít bàn thắng đã đành, giải đấu này còn lập kỉ lục về số thẻ phạt khi các trọng tài đã phải rút ra 345 thẻ vàng và tới 28 thẻ đỏ. Khô khan và quyết liệt là thế nhưng phải công nhận một điều, NHM World Cup 2006 đã may mắn khi được chiêm ngưỡng rất nhiều những bàn thắng đáng nhớ, trong đó có những pha lập công như của Fabio Grosso vào lưới tuyển Đức tại bán kết, cú 11m theo kiểu panenka của Zidane trong trận chung kết hay tình huống vô lê cháy lưới Mexico của tiền vệ Maxi Rodriguez bên phía Argentina.

 

Còn rất, rất nhiều những bàn thắng đẹp khác mà bất cứ khán giả khó tính nào cũng phải hài lòng như những siêu phẩm sút xa của Kaka, Gerrard, Torsten Frings, Rosicky và đặc biệt pha dứt điểm cận thành của Esteban Cambiasso sau… 26 đường ban bật của các tuyển thủ Argentina.

Zidane và cú húc đầu lịch sử!

Nếu để nói về dấu ấn lớn nhất mà một cá nhân từng để lại tại Berlin năm 2006 thì đó chắc chắn phải là huyền thoại Zinedine Zidane, chỉ có điều, đây lại là một dấu ấn đáng buồn, khép lại một sự nghiệp lẫy lừng của cầu thủ Pháp gốc Algeria. Phút thứ 110 trận chung kết giữa Pháp và Italia, do có lời qua tiếng lại với trung vệ Marco Materazzi, cụ thể Materazzi đã có những lời nói xúc phạm chị gái Zidane, đội trưởng tuyển Pháp đã quay lại và dùng đầu húc thẳng vào ngực cầu thủ phòng ngự phía đối diện. Trọng tài ngay lập tức cắt còi và tấm thẻ đỏ được dành cho Zizou trong khi những khán giả hâm mộ còn đang phân vân chưa hiểu vì sao. Pháp sau đó lui về cầm cự và đưa trận đấu đến loạt đấu súng cân não, nhưng rốt cuộc Italia với lợi thế tâm lí đã giành chiến thắng chung cuộc và đoạt cúp vàng danh giá.

 

Zidane sau đó đã phải nhận rất nhiều chỉ trích từ những chuyên gia, những nhà báo hay cả những danh thủ hàng đầu. Một cầu thủ nổi tiếng hiền lành như Zizou mà hành động như thế, chắc chắn phải có những nguyên do phía sau. Như đã nói ở trên, Materazzi đã xúc phạm chị gái Zidane, nhưng xin được bổ sung là không chỉ một, mà tới ba lần, thế nên Zidane mới không thể kiềm chế được bản thân. Không thể bênh Zidane trong tình huống đó nhưng cũng phải nói rằng, Materazzi đã tỏ ra quá láu cá và “nguy hiểm”, khiến cho một nhân cách lớn như Zidane cũng phải mắc sai lầm. Zidane xứng đáng với những chỉ trích, nhưng cũng đừng quên anh đã giúp người Pháp có mặt trong trận chung kết thế nào và xa hơn nữa là cả những đóng góp của anh cho nền bóng đá thế giới. Zidane sau khi giải nghệ còn nhận được huân chương danh dự của tổng thống Pháp nhưng điều quan trọng hơn cả, anh vẫn luôn là một tượng đài, một nhân cách lớn trong tâm trí những người yêu bóng đá.

Những ấn tượng khác

Australia: đội tuyển xứ sở của những con kangaroo đã có vài dịp dự tham dự World Cup trước đó, nhưng đây mới là lần đầu tiên họ có được một chiến thắng, đó là trước Nhật Bản tại vòng bảng. Đáng khích lệ hơn nữa, Tim Cahill và các đồng đội đã lội ngược dòng khi trận đấu chỉ còn 10 phút.

Brazil: ĐT xứ Samba với hàng loạt hảo thủ khi đó là Kaka, Ronaldo, Ronaldinho, Adriano hay Robinho dù được kì vọng sẽ tiếp tục tiến xa tại kì World Cup này nhưng lại gây thất vọng khi thua trận trước đối thủ khó chịu Pháp tại tứ kết.

Đội hình tiêu biểu

Thủ môn: Gianluigi Buffon (Italia).

Hậu vệ: Philipp Lahm (Đức), Fabio Cannavaro (Italia), Marco Materazzi (Italia), Gianluca Zambrotta (Italia).

Tiền vệ: Zinedine Zidane (Pháp), Andrea Pirlo (Italia), Patrick Viera (Pháp), Frank Ribery (Pháp), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha).

Tiền đạo: Miroslav Klose (Đức).

Cùng chuyên mục

  • Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 2010 – Nam Phi

    Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 2010 – Nam Phi

    Cuối tháng 5/2010, Inter Milan của Mourinho đăng quang ngôi VĐ Champions League, đánh dấu sự thắng thế tạm thời của chủ nghĩa bóng đá thực dụng trong cuộc chiến dai dẳng và vẫn chưa có hồi kết trước tiqui-taca. Nhưng cuộc chiến dai dẳng ấy không chỉ biết xảy ra ở đấu trường lớn nhất cấp CLB, nó đã biết lan sang World Cup, giải đấu đỉnh cao dành cho các ĐTQG. Chẳng mấy người tin rằng Brazil – hiện thân của lối chơi đẹp mắt cùng với ĐT Hà Lan – chủ nhân của những cơn lốc bàn thắng lại chọn con đường thực dụng để tiến bước tại Nam Phi 2010. Tây Ban Nha thì không như thế, chính xác là không hoàn toàn thế. Họ vẫn thực dụng, nhưng là một phần bởi họ vẫn giữ chất tiqui-taca và khi biết kết hợp chúng lại, họ đã là người thành công.

  • Theo dòng lịch sử: World Cup 1998 - Pháp lần đầu tiên giành cúp vàng Thế giới

    Theo dòng lịch sử: World Cup 1998 - Pháp lần đầu...

  • Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 1998

    Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 1998

  • Theo dòng lịch sử: Fifa World Cup 1994 - Mỹ

    Theo dòng lịch sử: Fifa World Cup 1994 - Mỹ

TIN MỚI