NSƯT Đăng Dương cùng dàn giao hưởng và dàn hợp xướng trong Giai điệu tự hào tháng 10 (ảnh: BTC)
Chương trình tháng này là hành trình hồi tưởng về quá khứ, về một giai đoạn lịch sử đấu tranh của dân tộc, quyết tâm chống kẻ thù xâm lược. Xuyên suốt chuyến hành trình đó là những bản giao hưởng hợp xướng, những hành khúc cách mạng, bài hát kinh điển ca ngợi Tổ quốc đã đồng hành cùng đất nước trong suốt chặng đường 70 năm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình quy mô và hoành tráng với sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ đến từ các dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng, nhà hát vũ kịch TP.HCM. Trong đó, phần lớn các tiết mục đều mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, tái hiện sống động không khí chiến đấu của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, ca khúc Diệt phát xít của tác giả Nguyễn Đình Thi khiến nhiều thành viên Hội đồng bình luận bồi hồi khi xen lẫn giai điệu cùng lời xướng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà phê bình văn học Trần Bảo Hưng đã đánh giá: “Tiết mục được dàn dựng rất công phu, ấn tượng và sáng tạo trên nền quang cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập”.
Tiết mục Diệt phát xít tái hiện thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
Trong khi đó, Hồi tưởng – sáng tác được chọn làm tên chủ đề Giai điệu tự hào tháng 10 – là tác phẩm chương 2 nằm trong tổ khúc giao hưởng Tổ quốc ta của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tác phẩm được NSƯT Đăng Dương thể hiện cùng dàn giao hưởng, hợp xướng, đoàn vũ kịch. Đáng chú ý là tiết mục được biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài ba Lê Phi Phi – con trai của tác giả.
Đồng thời, tiết mục Hồi tưởng còn có sự tham gia của các em thiếu nhi, góp phần tái hiện sự hồi sinh của đất nước sau thời kỳ kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy nhận xét: “Những bài hát đơn lẻ khác có thể được tiếp nhận phụ thuộc vào tâm lý, độ tuổi người nghe. Nhưng Hồi tưởng lại chinh phục khán giả như một bữa tiệc âm nhạc đặc sắc, trang trọng”.
Một trong những bản hợp xướng kinh điển của Việt Nam có tên Ca ngợi Tổ quốc cũng xuất hiện trong chương trình. Tác phẩm từng được dàn hợp xướng của Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện thành công. Nhưng trên sân khấu của Giai điệu tự hào, khán giả được thưởng thức tác phẩm qua giọng ca của cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.
Cách thể hiện tiết mục đã tạo nên tranh cãi giữa một số thành viên Hội đồng bình luận. Giáo sư Lê Văn Lan bày tỏ: “Tôi không thích sự khẩn trương trong tiết mục này mà thích cách biểu diễn trang trọng, chậm rãi, thong thả như trước hơn”. Nhưng nhạc sĩ Linh Nga Niêk Đam lại cho rằng: “Tiết mục vẫn làm tôi cảm thấy được sống lại thời xưa, khiến tôi rơi nước mắt. Tiết mục cho chúng ta thấy cách thể hiện của nghệ thuật quần chúng”. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những tiết mục để lại dấu ấn trong chương trình tháng 10.
Ngoài ra, ca khúc Đường chúng ta đi và Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam cũng gây ấn tượng bởi giai điệu hay và cách dàn dựng tỉ mỉ. Trong đó, khán giả được thấy lại khung cảnh nhộn nhịp của Hà Nội vào mùa xuân Kỷ Sửu năm 1973 và không khí kêu gọi đấu tranh trong thời kỳ kháng chiến “rực lửa”.
Quang cảnh Hà Nội mùa xuân năm 1973 được tái hiện sinh động trên sân khấu.
Bên cạnh những bản hùng ca mạnh mẽ, sôi nổi, khán giả còn được thưởng thức không gian thơ mộng, thanh bình qua tiết mục Việt Nam quê hương tôi. Ca khúc đã được làm mới bằng phong cách nhạc Acapella, tạo nên nét độc đáo cho tiết mục. Những nghệ sĩ tham gia biểu diễn nổi bật với áo dài trắng, làm nên hình ảnh biểu tượng cho khát vọng hòa bình.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ: “Tôi rất nể cách tạo hình trang phục, cách hát không nhạc đệm và sự uyển chuyển, nhẹ nhàng trong cách diễn. Với cá nhân tôi, đây là tiết mục thành công nhất trong chương trình lần này về cách dàn dựng”.
Mặc dù các tiết mục đều được nhiều nghệ sĩ cùng các thành viên dàn hợp xướng, đoàn vũ kịch thể hiện nhưng mỗi ca khúc đã để lại nét riêng cho các thành viên Hội đồng bình luận. Nhiều người vô cùng xúc động khi được gợi nhớ lại một thời kỳ chiến đấu oanh liệt và giai đoạn lịch sử nhiều thăng trầm của dân tộc.
Để lắng nghe lại các ca khúc được thể hiện trong Giai điệu tự hào tháng 10, mời quý vị theo dõi qua các video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!