Đi mãi rồi cũng thành quen...
Chúng ta hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với chuyến đi gần đây nhất của chị. Có điều gì chị muốn chia sẻ trong chuyến công tác vừa qua?
- Tôi vừa trở về từ TP.HCM sau chuyến công tác một tuần để thực hiện phóng sự cho chương trình tọa đàm 70 năm trên con đường Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Ban Thời sự. Dù đã làm nhiều chương trình và có nhiều chuyến đi nhưng lần này thì đặc biệt hơn khi sát với thời điểm Quốc khánh của đất nước - một ngày kỷ niệm rất ý nghĩa đối với 90 triệu người dân Việt Nam.
Trong chương trình có các phóng sự liên quan đến câu chuyện của những gia đình trong 70 năm qua, họ đã có những thăng trầm, hội ngộ - chia ly - hạnh phúc cùng lịch sử đất nước. Trong đó có câu chuyện về gia đình bác Lê Quang Vịnh - một tử tù ở Côn Đảo trong 15 năm. Trong quãng thời gian ở tù, vì quá khát khao tự do, mong ước ngày đất nước thống nhất nên bác đã đặt tên con là Tự Do và Hạnh Phúc.
Bên cạnh đó tôi còn được tìm hiểu những câu chuyện liên quan đến thế hệ lãnh đạo trẻ với những kế hoạch, dự định của họ trong 30 năm tới để thay đổi đất nước. Tôi cảm nhận được nhiệt huyết, mong muốn góp tay cống hiến của họ.
Quay trở lại với chuyến đi tác nghiệp đầu tiên, chị có còn nhớ kỷ niệm về chuyến đi đó?
- Là phóng viên, BTV của Ban Thời sự nên chúng tôi đi rất nhiều, đến các tỉnh, thành từ Bắc đến Nam, từ biên giới đến hải đảo và trong đó có rất nhiều chuyến đi đáng nhớ.
Tôi nhớ chuyến đi đầu tiên của mình vào thời điểm mới ra trường. Đó là năm 2010, tôi vừa vào Ban Thời sự và lúc đó thì còn rất trẻ. Tôi cùng với quay phim Hoàng Linh, kỹ thuật Khiếu Minh được giao thực hiện các phóng sự cho Tết Dương lịch, ghi nhận không khí đón tết của bà con ở các vùng cao của tỉnh Hà Giang. Khi ấy, thời tiết rất lạnh, chỉ 1-2 độ C. Chúng tôi không hề chuẩn bị tinh thần để đối diện với thời tiết khắc nghiệt như vậy. Xe ô tô của đoàn thậm chí không thể khởi động được vì quá lạnh.
Sau đó, chúng tôi đã vào những bản của huyện Đồng Văn mà trước đó rất ít phóng viên đến. Bà con dành cho chúng tôi rất nhiều tình cảm, rất gần gũi. Đến thời điểm này tôi vẫn giữ liên hệ và luôn mong có cơ hội quay lại thăm mọi người, nhưng tiếc là chưa đi được.
Từ đó, dường như bắt đầu cơ duyên khiến tôi gắn bó với đồng bào, bà con dân tộc ở miền núi. Mỗi chuyến đi tôi lại được gặp thêm những con người thú vị và cảm nhận được tình cảm mọi người dành cho mình. Chúng tôi, như được tiếp thêm sức, để có thêm năng lượng tiếp tục guồng quay của công việc và tin tức.
BTV Nguyễn Ngân trong một chuyến công tác ở Sơn La
Trong rất nhiều chuyến công tác của mình, lần nào khiến chị cảm thấy lo lắng nhất trước khi lên đường?
- Sự lo lắng có vẻ bớt đi, vì sau mỗi chuyến đi tôi có thêm những trải nghiệm, kinh nghiệm, để nếu gặp vấn đề tương tự, tôi sẽ biết cách xử lý thế nào. Đó là một quá trình học hỏi không ngừng và luôn luôn có thử thách phía trước chờ đợi.
Chuyến đi khiến tôi lo lắng nhất cũng chỉ mới đây. Đó là vào tháng 3 vừa rồi, tôi là một trong những thành viên của nhóm sản xuất bộ phim MH370 – Hành trình chưa kết thúc, nằm trong chương trình VTV Đặc biệt.
Tôi sang Malaysia với rất ít thông tin và chỉ có thông tin ở Việt Nam. Để tiếp xúc với thân nhân, gia đình của những hành khách mất tích là điều không dễ dàng. Họ không cộng tác và không ai muốn gợi lại nỗi đau trong suốt 1 năm qua. Mặc dù trước đó, tôi có một tháng để tìm thông tin, kết nối, với hỗ trợ từ anh Hữu Hưng – phóng viên thường trú tại Singapore, chị Việt Nữ - phóng viên thường trú ở Trung Quốc, và các bạn đồng nghiệp quốc tế, nhưng thực sự rất khó thuyết phục các gia đình. Trong khi đó, nội dung phim tài liệu lại cần nhiều câu chuyện của các gia đình sau một năm máy bay mất tích, những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và cuộc sống của họ. Tôi và quay phim Phùng Sơn đã lên đường với chỉ một nhân vật duy nhất đồng ý gặp mặt.
Tuy nhiên, sau đó, tôi rất may mắn khi có đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền hình của Malaysia thông báo tin sẽ có đoàn thân nhân của gia đình Trung Quốc sang Malaysia kỷ niệm 1 năm máy bay mất tích. Rất ít cơ quan báo chí biết thông tin này, vì họ đi tự túc. Từ đây, tôi gặp thêm nhiều gia đình khác.
Sau chuyến đi này, tôi nhận thấy, nếu mình làm những chương trình vì mọi người, phóng viên đến để chia sẻ chứ không đơn thuần là thu thập thông tin, thì ai cũng ủng hộ và chấp thuận.
Tôi trở về Việt Nam khi đó là 28 Tết âm lịch. Chương trình lên sóng đúng dự kiến - điều mà chúng tôi đều không nghĩ có thể thực hiện được.
Vậy có chuyến công tác nào khiến chị bất ngờ và không kịp chuẩn bị gì?
- Là phóng viên Thời sự thì chuyện này rất nhiều. Vì chúng tôi nằm trong dòng chảy của tin tức, sự kiện. Mọi người luôn sẵn sàng với tâm lý cho các chuyến đi là không có chuẩn bị gì, cả hành lý lẫn thông tin về vùng đất mình chuẩn bị đến. Theo thời gian và sau mỗi chuyến đi, tôi thấy mọi việc cuối cùng đều sẽ ổn.
Có những chuyến công tác sẽ không tránh được những rủi ro. Chị đã trải qua chuyến đi nguy hiểm nhất như thế nào?
- Đó là chuyến đi vào bãi khai thác Vàng trái phép ở Lào Cai. Đến bây giờ tôi ít khi dám nhắc lại và cũng không dám xem lại phóng sự này. Không hiểu vì sao lúc đấy chúng tôi quyết định vào trong đó, không hiểu vì sao có thể trở ra một cách an toàn và cũng không hiểu vì sao may mắn gặp được những người dân đã giúp đỡ và bảo vệ mình... Chúng tôi đã vào và đến thời điểm này thì vẫn an toàn. (cười)
Được làm Thời sự là mơ ước từ lâu
Chị cảm thấy bản thân thay đổi điều gì sau những chuyến tác nghiệp?
- Đó là bản lĩnh và những trải nghiệm của cuộc sống. Vốn kiến thức, hiểu biết cuộc sống mỗi ngày lại nhiều thêm, điều mà không trường lớp nào dạy được. Tôi biết ơn những chuyến đi, biết ơn từng nhân vật, biết ơn mỗi câu chuyện, cảm xúc mọi người đã chia sẻ.
Đối với một phóng viên nữ, mà lại làm Thời sự thì phải luôn rất mạnh mẽ, bản lĩnh. Tôi thấy được điều đó thay đổi rất rõ đối với mình. Vì trong suốt những năm học cấp 3 hay Đại học, tôi học chuyên Văn và thiên về xã hội và rất "mềm yếu", dễ khóc... Thế nhưng, giờ tôi mạnh mẽ hơn, để đối diện với những khó khăn cũng dễ dàng hơn.
Thời gian mới vào nghề, khi phóng sự gặp lỗi, thậm chí là một chi tiết nhỏ, mọi người không trách, nhưng tôi luôn cảm thấy trách mình, vì sao mình lại để xảy ra lỗi như vậy. Tôi vốn là người cầu toàn. Nhưng giờ, tôi đã "cho phép" mình nghĩ "thoáng" hơn. Nhưng tất nhiên, vẫn phải cẩn thận và trách nhiệm với từng câu từ, hình ảnh khi lên sóng. Vì đó cũng là trách nhiệm với khán giả.
Biết đâu, ngày nào đó, khi đôi chân đã mỏi, nhớ lại quãng thời gian này, hi vọng tôi sẽ không tiếc nuối điều gì vì đã cố gắng, đã sống trọn vẹn với ước mơ của mình.
BTV Nguyễn Ngân đưa tin về mưa lũ
Mong muốn được vào làm việc ở Ban Thời sự đến với chị từ thời điểm nào?
- Ngay khi còn là sinh viên, đó đã là ước mơ. Tôi luôn nghĩ để trở thành phóng viên, biên tập viên Ban Thời sự sẽ phải rất xuất sắc, nên sau khi Tốt nghiệp Đại học, tôi luôn cố gắng học nếu có dịp, học từ chính những anh, chị đồng nghiệp xung quanh. Giờ thì tôi tin, trở thành phóng viên Ban Thời sự với tôi là cơ duyên.
Năm 2010, khi tôi thực tập thì Ban thành lập phòng Chào buổi sáng nên được nhận về. Trước đó, tôi tham gia thực hiện các phóng sự trong chuyên mục mới Hà Nội 36 góc nhìn của bản tin Chào buổi sáng. Đó là những phóng sự về văn hóa và đời sống Hà Nội, những góc phố quen với nhiều người dân thủ đô, nhẹ nhàng và bình dị. Phòng Chào buổi sáng khi đó chỉ có 7 người, bản tin lên sóng lúc 5h30 nên mọi người có khi thức đến 2,3 giờ sáng để làm việc. Không khí ấy, tôi vẫn nhớ mãi.
Công việc bận rộn như thế, chị làm thế nào để dành khoảng thời gian cho riêng mình?
- Tôi có khả năng cân đối và sắp xếp thời gian. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình bận rộn, thậm chí có khi còn rảnh rỗi hơn rất nhiều so với những người bạn của mình. Dù làm việc ở Ban Thời sự, nhưng tôi vẫn có được khoảng thời gian rảnh rỗi cho riêng mình nếu sắp xếp hợp lý. Sau những chuyến đi thì tôi có khoảng thời gian nghỉ ngơi, tĩnh tâm để nhìn lại những gì mình đã làm. Tôi tự nhủ, có say mê thế nào thì cũng không để công việc cuốn mình đi. Khi có thời gian, tôi gặp gỡ bạn bè, chia sẻ với người thân, đi chơi xa hay đọc sách. Đó là khoảng thời gian để bận rộn và bộn bề của công việc lắng lại.
Điều gì ở VTV khiến chị thích nhất khi làm việc tại đây?
- Tôi có cơ hội làm việc cho VTV từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất. Từ năm 2007 thực tập rồi thấm thoát cũng đã 8 năm. Còn về Ban Thời sự, tôi được nhận về từ năm 2010.
Điều tôi thích nhất là được trưởng thành lên từng ngày. Mỗi đồng nghiệp đều có thể giúp tôi có thêm bài học, để vững vàng trong nghề hơn. Các anh chị đi trước cũng từng lăn xả vào thực tế, chiến đấu bằng ngòi bút của mình, đi đến tận cùng của sự thật để đưa đến khán giả thông tin trung thực và khách quan nhất. Ở VTV, tôi có những đồng nghiệp và người thầy, được mọi người truyền lại cả về vốn sống, cách xử lý vấn đề và những kinh nghiệm trong công việc.
Nếu bạn muốn trưởng thành, muốn ước mơ trở thành phóng viên truyền hình thì VTV là nơi tốt nhất để ước mơ đó được chắp cánh, rèn giũa. Tất nhiên, bạn cũng sẽ phải chuẩn bị cho mình tinh thần chấp nhận thử thách và cả thất bại...
Cơ hội rèn nghề tới mỗi ngày, chúng tôi, những phóng viên trẻ thấy mình lớn lên, được nhìn nhận và ghi nhận. Nghề truyền hình không phụ ai nếu mình yêu thương nó tận tâm.
Một lời chúc đến VTV nhân dịp sinh nhật đặc biệt tròn 45 năm, chị sẽ nhắn gửi điều gì?
- 45 năm qua đi nhưng tôi tin rằng với những gì các thế hệ các bác, các cô, các chú đã làm được thì chúng ta còn chờ đợi nhiều đợt kỷ niệm sắp tới, chờ đợi cả những thế hệ VTV sau này. Tôi tin và hy vọng rằng, thế hệ chúng tôi cũng đang đi tiếp và cả gìn giữ chặng đường mọi người đã đi qua. VTV luôn là nơi người dân tìm đến bởi sự chính xác, khách quan và nhân văn.
Chặng đường phía trước còn dài và tôi muốn đi cùng với VTV.
Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!