Ca sĩ Phương Thảo: Bay lên rồi có lúc cũng phải hạ cánh

Thục Miên-Chủ nhật, ngày 01/06/2014 06:00 GMT+7

Hơn 10 năm ca hát, bằng chất giọng ngọt ngào sâu lắng, cộng với kĩ thuật thanh nhạc điêu luyện, Phương Thảo luôn có vị trí riêng trong sự yêu mến của khán giả dòng nhạc dân gian.

Động lực mới để tiếp tục sáng tác

Dòng nhạc dân gian hiện nay không có thêm nhiều ca khúc mới, các album của ca sĩ dòng nhạc này gần như trùng lặp..., Thảo có bao giờ bị bế tắc khi lựa chọn ca khúc làm album chưa?

Ca khúc của dòng nhạc truyền thống thì nhiều, có điều, có sự nhàm chán bởi ca sĩ dòng nhạc này không còn độc quyền ca khúc như các ca sĩ nhạc nhẹ. Vì vậy, nếu có băn khoăn thì không phải vì số lượng bài hát ít mà Phương Thảo muốn làm cái gì đó để khán giả nhận ra sản phẩm của mình.

Chính vì thế, Thảo “nuôi mộng” sáng tác, nhưng 3 năm liền không làm được bài nào. Thảo không có kiến thức về sáng tác, cũng không có cái gì đột phá trong năng khiếu, nên tính toán viết cái gì, viết như thế nào là cả một vấn đề.

Âm hưởng dân ca xứ Nghệ là nguồn cảm xúc nuôi lớn đam mê ca hát của Thảo, còn chất liệu âm nhạc khác như ca khúc: Đất mẹ ngày về, bạn đã học hỏi như thế nào?

Thực ra, trong sáng tác đầu tiên - Gái Nghệ, mọi người cứ tưởng Thảo viết về một cô gái xứ Nghệ thì sử dụng chất liệu ví dặm như ca khúc: Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, hay Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Nhưng Thảo không muốn lặp lại điều đó nên đã sử dụng chất liệu chính là ca trù để đưa vào bài hát này.

Bài hát Gái Nghệ được bạn bè và các nhạc sĩ đánh giá là không giống ai cả, có hấp dẫn hay không thì do cảm nhận của mỗi người. Còn Đất mẹ ngày về là bài hát viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên Thảo đưa hò khoan Lệ Thủy, một làn điệu đặc trưng của vùng quê Quảng Bình vào trong sáng tác này.

‘ Theo Phương Thảo, ưu thế lớn nhất của bạn - một ca sĩ viết nhạc là gì?

Phương Thảo có lợi thế là đam mê học văn từ nhỏ nên việc diễn tả nội dung dễ dàng. Đam mê học văn giúp cho Thảo có được sự lãng mạn trong tâm hồn và mang lại cho mình tầm nhìn bao quát, sâu sắc hơn.

Còn về âm nhạc, Phương Thảo được đào tạo bài bản, ví như: lúc sáng tác những giai điệu vang lên trong đầu thì Thảo có thể viết ra nốt nhạc, tự xướng âm để thành một bản nhạc.

Cách đây 10 năm khi đạt giải cuộc thi Sao Mai (2003), Thảo có nghĩ rằng sau này sẽ đi theo con đường sáng tác?

Thảo nghĩ rằng, sáng tác là năng khiếu và có sẵn bên trong con người mình, đợi cơ hội là bộc phát ra thôi. Cơ hội ở đây là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó cảm xúc là yếu tố hàng đầu. Nếu có người dìu dắt từ những ngày chập chững thì có thể Phương Thảo sẽ có những sáng tác sớm hơn.

4 năm với 5 tác phẩm, khởi đầu các ca khúc đều được đánh giá cao. Mới bước vào vai trò mới mẻ này Thảo nghĩ sao?

Thực ra, ban đầu khi có ý tưởng sáng tác thì Thảo không nghĩ cái gì quá lớn lao, rằng mình phải thành công, trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng hay phải thể hiện điều gì ghê gớm mà chỉ đơn giản là để trong CD, DVD của mình có điểm nhấn hay một sự khác biệt nho nhỏ thôi. Không ngờ mọi người lại quan tâm đến những ca khúc mình viết.

Trước đây, “điếc không sợ súng”, viết không bị áp lực gì cả nhưng bây giờ khi công chúng quan tâm nhiều thì có một áp lực nho nhỏ. Điều đó lại trở thành động lực, tạo cảm hứng để Thảo viết. Giống như khi viết ca khúc Chút tình em gửi - một sáng tác mới nhất, động lực chính là tình cảm của khán giả dành cho mình.

Đi qua đường chông gai, mới thấy nể mình hơn

Hơn 10 năm sau thành công tại Giải Sao Mai, Phương Thảo đã trưởng thành hơn trong sự nghiệp và cuộc sống. Nghĩ về quãng đường qua, có điều gì khiến Thảo cảm thấy nuối tiếc, muốn làm lại?

Có lúc Thảo vẫn ước thế này, thế kia nhưng nay ngoài 30 tuổi rồi, Thảo thấy mình cần chín chắn, chững chạc hơn. Thảo nghĩ cuộc đời là như thế, “sông có khúc người có lúc”, mình cũng phải thế.

Con đường càng quanh co mà mình vượt qua được thì mới thấy bản lĩnh, nghị lực của mình. Con người ai cũng có số phận và phải bằng lòng với số phận của mình thì sẽ sống nhẹ nhàng hơn, quan trọng nhất là khi mình đã qua được con đường chông gai, nhìn lại thấy nể mình hơn.

‘ Vai trò mới có thể đang tạo nhiều cảm hứng nhưng sự nghiệp chính của Thảo vẫn là ca hát. Sắp tới, Thảo có định hướng gì mới không?

Nói thế này thì không biết mọi người yêu mến mình có tin hay không, nhưng thực sự Thảo chưa bao giờ quá nặng nề trong việc phát triển sự nghiệp.

Thảo muốn cân đối mọi điều trong cuộc sống, phụ nữ mà, mình không tham vọng nhiều, chỉ muốn cân bằng giữa công việc và gia đình. Gia đình ở đây không nhất thiết là phải lấy chồng, sinh con mà dành thời gian về thăm bố mẹ, anh chị em, các cháu yêu thương của mình. Đó mới là giá trị đích thực của cuộc sống.

Nhiều người bảo, nếu hỏi bạn về chuyện tình yêu cũng chỉ nhận được nhiều nhất là nụ cười, kín tiếng một chút có lẽ là cách để giữ bình yên cho bản thân, phải không?

Tình yêu ở mỗi thời điểm mang lại cho mình những giá trị khác nhau trong cuộc sống. Tình yêu thời trẻ con mang đến cho mình niềm vui, sự hồn nhiên và nó giúp mình bước vào cuộc sống với cái nhìn đầy màu hồng.

Tình yêu ở giai đoạn trưởng thành thì mang lại cho mình sự chín chắn, chững chạc . Những va vấp trong cuộc sống đầu đời giúp mình có những bài học kinh nghiệm để mình có sự từng trải và bước tiếp.

Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Tình yêu bây giờ cũng giống như công việc, Thảo quan niệm rất nhẹ nhàng, sống thế nào cho ý nghĩa, tình yêu cũng vậy, làm sao phải có lúc bay lên nhưng có lúc phải hạ cánh.

Ca sĩ Phạm Phương Thảo sinh năm 1982, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật Quân đội; năm 2003, làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 2000, 2001, 2002 Thảo liên tiếp giành Huy chương Vàng tại các hội diễn toàn quốc chuyên nghiệp. Năm 2003, Thảo đạt giải Ba Sao Mai Tiếng hát Truyền hình và giải Ca sĩ được yêu thích nhất do khán giả bình chọn. Cô đã có 11 CD và 2 DVD đến với công chúng yêu nhạc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước